Nợ xấu ngân hàng: Nỗi lo tăng dần về cuối năm
Xem xét thận trọng tỷ lệ nợ xấu lên tới 5,76%
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/5; tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến hết quý I/2022 ước 1,53%. Tuy nhiên, nếu xem xét thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76%.
Nội dung báo cáo của Chính phủ cho biết sự bùng phát dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, không trả được nợ ngân hàng; từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (đến cuối tháng 3/2022 là 1,53%).
Thông tư 01/2020 do NHNN ban hành ngày 13/3/2020 quy định việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2020, Thông tư 14/2021 đã tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chỉ ra rằng trên tinh thần xem xét một cách thận trọng, nếu bao gồm cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021 có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76%.
Trong đó, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến hết tháng 3/2022 là khoảng 377,9 nghìn tỷ đồng. Riêng lãi dự thu phải thoái của hệ thống các TCTD là 16,5 nghìn tỷ đồng.
Điều này cho thấy chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung và một số TCTD nói riêng cần được tiếp tục lưu ý trong thời gian tới, do theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây chưa phải là nợ xấu mà là những khoản nợ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động nhận diện, có các giải pháp quản lý, kiểm soát và dự phòng trong trường hợp những khoản nợ đó có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai, theo nội dung Chính phủ báo cáo Quốc hội.
“Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Áp lực nợ xấu tăng trong nửa cuối năm
Nợ xấu tiềm ẩn cũng là nỗi lo lớn của nhiều chuyên gia kinh tế trong bối cảnh đà phục hồi đối diện nhiều thách thức. Ngay từ đầu năm nay, tại Hội thảo “Cần Luật hoá NQ 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” hồi cuối tháng 2, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, đã nhận định rằng không thể chủ quan với nợ xấu vì các khoản bao phủ nợ xấu của nhiều TCTD đến nay chưa tính tới nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý cũng như nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu, khả năng chuyển các khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 thành nợ xấu do điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi...
TS. Cấn Văn Lực nhận định nhiều khả năng trong nửa đầu năm 2022, tình hình nợ xấu chưa có nhiều áp lực do Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, đồng thời các ngân hàng vẫn được tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên đến nửa cuối năm, khi Thông tư 14 về cơ cấu nợ hết hiệu lực vào ngày 30/6 và Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào ngày 15/8, nếu Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ gây ra việc thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu.
Trong trường hợp này, TS. Lực cảnh báo tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, có nguy cơ dẫn đến bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ với Doanh nhân Việt Nam rằng hệ thống ngân hàng trong nước có thể phải chịu sức ép lớn về nợ xấu trong nửa cuối năm nay.
“Khi các quy định giãn hoãn nợ hết hiệu lực từ tháng 6 tới, số nợ xấu sẽ tăng lên, trích lập dự phòng rủi ro như vậy cũng tăng lên. Có khả năng nguồn tiền thu từ nợ về để chp vay sẽ giảm và lãi suất như vậy sẽ tăng”, ông Nghĩa đánh giá.
Theo vị này, trong hai năm qua, nợ xấu được “che giấu” vì những chính sách hỗ trợ nền kinh tế, nhưng con số này có thể tăng lên trong những tháng cuối năm khi nợ xấu không còn được cơ cấu thêm nữa.
Thực tế, tại báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng, tình hình nợ xấu có chiều hướng gia tăng, chủ yếu do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 do hết thời hạn tái cơ cấu. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng tương đối mạnh ở hầu hết các nhà băng.
Nợ tiềm ẩn thành nợ xấu bao gồm: Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và Thông tư 19/2014/TT-NHNN; TPDN tiềm ẩn trở thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái; dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN có nguy cơ chuyển nợ xấu.