Đau đầu chuyện xử lý tài sản bị `đọng` tại các Tổng công ty phải cổ phần hoá

07:41 | 28/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tiến trình Cổ phần hoá doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 đã đến hạn chót. Tuy nhiên, không ít các Tổng công ty vẫn đang loay hoay giải quyết các tài sản bị “đọng”.

Tổng công ty Giấy VN lùm xùm kiện tụng

Ngày 31/10/2019, Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI – chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây - và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (PVFC-VT).

Tuy nhiên, Vinapaco hiện đang rất khó khăn về tài chính, không đảm bảo chi trả các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PvcomBank; vụ kiện của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) liên quan khoản vay của VINAPACO có thể dẫn đến việc không thể tiến hành bán đấu giá tài sản cố định và hàng tồn kho của Dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tháng 9/2020, Bộ Công Thương đã chủ trì buổi làm việc giữa PVcombank và VINAPACO để thống nhất phương án xử lý đối với vụ kiện và hiện tại, PVcombank và VINAPACO đang trong quá trình rà soát và tiến hành đàm phán xử lý. Tính đến nay, dự án này đã được Bộ Công thương nhiều lần rao bán, tuy nhiên vẫn không có nhà đầu tư nào ngó ngàng tới.

Đau đầu chuyện xử lý tài sản bị `đọng` tại các Tổng công ty phải cổ phần hoá - ảnh 1

Tổng công ty Giấy VN đang vướng phải những rắc rối liên quan đến kiện tụng

Ngoài ra, hiện Tổng công ty Giấy Việt Nam còn đang vướng vào vụ kiện tụng khác với Công ty chè Phú Thọ bởi liên quan đến quá trình đầu tư vốn bởi các Lâm nghiệp sát nhập trước đây.

Ngày 24/8/2020, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức phiên tòa xét xử sơ thểm về việc “Đòi tài sản” do nguyên đơn là Công ty CP Chè Phú yêu cầu khởi kiện yều cầu Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm buộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam hoàn trả cho Công ty Chè Phú Thọ 86,01 tấn chè khô sơ chế, quy ra tiền tại thời điểm hiện tại 30.000 đồng/kg bằng 2.580.300.000 đồng do các Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, Tam Thắng, Xuân Đài (trực thuộc Tổng Công ty Giấy) vay trồng chè.

Phía Công ty CP Chè Phú Thọ cho rằng, Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) là công ty nhà nước, được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty Giấy Việt Nam và Công ty giấy Bãi Bằng. Vì hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, nên đối với công nợ của các Lâm trường khi sáp nhập thì Tổng cty giấy Việt Nam phải có nghĩa vụ trả nợ cho Công ty CP Chè Phú Thọ.

Hiện vụ việc có khả năng lên cấp Phúc thẩm do Công ty CP Chè Phú Thọ cảm thấy kết quả tại phiên sơ thẩm không thoả đáng.

Vinachem nợ như “chúa chổm”

Báo cáo của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC mới đây cho thấy, đã có các cơ sở kết luận ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Một số dự án của Vinachem như dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý; các dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm; Dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và Dự án Mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.

Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Đau đầu chuyện xử lý tài sản bị `đọng` tại các Tổng công ty phải cổ phần hoá - ảnh 2

Với nhiều dự án thua lỗ, Vinachem sẽ định giá tài sản ra sao?

Cũng tại thời điểm trên, Báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem và Công ty CP Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc, phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vinachem, với dự án Nhà máy sản xuất Phân đạm trong 6 tháng đầu năm 2020 lỗ 780,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu 4.192,6 tỷ đồng.

Với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, tại thời điểm 30/6/2020, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty đang phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 4.410,88 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 3.979,05 tỷ dồng, lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu 1.209,58 tỷ đồng.

Với Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, một số khoản vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần của Công ty đã quá hạn thanh toán; trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 1.395,9 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 1.506,1 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là các hợp đồng đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay; trong đó có Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP công suất 330.000 tấn/năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án.

Vicem và nỗi lo dự án nghìn tỷ

Tại báo cáo gửi Quốc hội vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân. KTNN chỉ rõ, tại Công ty mẹ - Vicem loại tài sản không cần dùng khỏi giá trị doanh nghiệp và đề nghị điều chuyển, bàn giao không đúng quy định.

Theo KTNN, đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đối với 3 lô đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại.

Theo đó, lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, nguyên nhân thay đổi được Vicem cho rằng đầu tư trung tâm này không hiệu quả. Theo dự án được duyệt, trung tâm tại Phạm Hùng ngoài phần chức năng là trụ sở điều hành của Vicem sẽ được khai thác, cho thuê mặt bằng. Dự án đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh Phương án trình phê duyệt.

Đau đầu chuyện xử lý tài sản bị `đọng` tại các Tổng công ty phải cổ phần hoá - ảnh 3

Dự án nằm trên đường Phạm Hùng của Vicem đắp chiếu nhiều năm

Lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”, được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.

Còn lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”, đến tháng 5.2019 Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.

Tuy nhiên, theo đề án tái cơ cấu, doanh nghiệp buộc phải tập trung vào ngành nghề chính là sản xuất xi măng. Lĩnh vực đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản không thuộc thế mạnh, ngành nghề kinh doanh của tổng công ty.

Như vậy với yêu cầu Cổ phần hóa xong trong năm, các doanh nghiệp trên chỉ còn hơn 2 tháng để cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, xét trên tình hình thực tế khó có thể tin tưởng một cách khả quan và điều dư luận khi mà những Tổng công ty lớn trên không giải quyết được các vấn đề tồn đọng thì kịch bản thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa liệu có hiện thực hay không?

Cần xử lý các tài sản đọng trước CPH ra sao?

Liên quan đến vấn đề trên, Doanh nhân Việt Nam đã có những trao đổi Luật sư, Chuyên gia Kinh tế Hà Huy Phong về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tài sản bị “đọng” trước cổ phần hoá của các doanh nghiệp.

PV: Thưa ông, đối với các tài sản được giao thuộc doanh nghiệp 100% nhà nước đang bị “đọng” hoặc vướng vào tranh chấp như đã được kể trên sẽ được định giá và xử lý ra sao trong tiến trình cổ phần hóa?

Theo hướng dẫn tại Điều 15, Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì “Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải thu (bao gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn; đối với các tổ chức tín dụng phải đối chiếu, xác nhận cả các khoản nợ phải thu ngoại bảng), đồng thời thực hiện thu hồi các khoản nợ đến hạn trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Những khoản nợ không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh khách nợ còn nợ hoặc không có khả năng thu hồi theo quy định thì không được loại trừ ra ngoài giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân để xử lý theo nguyên tắc sau:

a) Xác định trách nhiệm xử lý bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan đến khoản nợ phải thu không xác định được khách nợ, phần tổn thất còn lại được xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

b) Hoàn thiện hồ sơ, tiếp tục theo dõi để xử lý thu hồi đối với những khoản nợ không chứng minh được là không có khả năng thu hồi”.

Như vậy, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục theo đuổi tiến trình thu hồi nợ đối với các khoản nợ đến hạn đến khi hoàn thành mới có thể thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Điều này gây ra trở ngại và khó khăn rất lớn cho tiến trình cổ phần hóa, bởi việc khép lại một khoản nợ xấu là hết sức khó khăn.

PV: Nếu tài sản được giao chưa được thu hồi về sở hữu hoàn toàn về với doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể thực hiện bước chào giá tài sản hay không?

Để có thể cổ phần hóa, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện về “Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp”, được hiểu là bảo toàn vốn Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Do vậy, nếu các tài sản Nhà nước giao mà chưa thu hồi về thì không thể tiến hành cổ phần hóa, bởi sẽ đụng chạm vào nguyên tắc bảo toàn vốn Nhà nước. Mặt khác, để có thể chào bán cổ phần, thì doanh nghiệp phải xác định giá trị doanh nghiệp, mà bước xác định giá này phụ thuộc rất nhiều vào danh mục tài sản hiện hữu của doanh nghiệp, nên nếu tài sản của doanh nghiệp chưa được thu hồi về mà cũng chưa xử lý theo quy định thì không thể xác định được giá trị doanh nghiệp.

Đau đầu chuyện xử lý tài sản bị `đọng` tại các Tổng công ty phải cổ phần hoá - ảnh 4

Luật sư Hà Huy Phong cho rằng khi chưa thu hồi được các tài sản được giao thì doanh nghiệp không thể tiến hành cổ phần hoá

PV: Khi nhà đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp trong thời điểm chưa xử lý xong tài sản tranh chấp, thua lỗ thì nhà đầu tư có phải “gánh” cùng doanh nghiệp hay không?

Ngoại trừ những khoản nợ được đánh dấu là nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi, phải được xử lý theo quy định trước khi định giá doanh nghiệp; thì các khoản nợ khác chưa đến hạn của doanh nghiệp được coi là tài sản của doanh nghiệp, và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được quyền kế thừa tài sản là khoản phải thu đó. Việc doanh nghiệp lãi hay lỗ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và nhiều vấn đề khác, nên các nhà đầu tư phải tuân theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu” trong kinh doanh. Phần trách nhiệm của nhà đầu tư chỉ giới hạn trong phần vốn góp vào doanh nghiệp (phần tiền đã mua cổ phần thông qua quá trình cổ phần hóa).

PV: Vai trò của lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp có vai trò như thế nào tiến trình cổ phần hóa. Nếu tài sản không định giá được, thì trách nhiệm các lãnh đạo đơn vị có cần được nhắc đến hay?

Để có thể cổ phần hóa, thì nhất thiết phải xác định được giá trị doanh nghiệp trước. Việc không xác định được giá trị doanh nghiệp có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân liên quan tới các khoản phải thu. Điều 15, Nghị định 126/2017/NĐ-CP xây dựng rõ nguyên tắc xử lý trách nhiệm như sau ”Những khoản nợ không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh khách nợ còn nợ hoặc không có khả năng thu hồi theo quy định thì không được loại trừ ra ngoài giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm rõ nguyên nhân để xử lý theo nguyên tắc sau: a) Xác định trách nhiệm xử lý bồi thường của tập thể, cá nhân có liên quan đến khoản nợ phải thu không xác định được khách nợ, phần tổn thất còn lại được xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng”.

Dĩ nhiên là trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, của những người liên quan phải được xem xét gắn liền với những hành vi cụ thể, trách nhiệm cụ thể, chứ không đề cập một cách chung chung là “vì không xác định được giá trị doanh nghiệp”. Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Theo ông, đối với các doanh nghiệp còn vướng các tài sản “đọng” hoặc tranh chấp như trên thì cần phải giải quyết các vấn đề về tài sản thể định giá trên, và đâu là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp?

Với các doanh nghiệp còn vướng các tài sản “đọng” hoặc tranh chấp như vậy, thì cần xác định và phân loại thành nợ xấu không thể thu hồi hoặc nợ thông thường. Nợ thông thường thì đưa vào danh mục tài sản của doanh nghiệp, còn nợ khó đòi thì vận dụng các quy định hiện hành về xử lý nợ xấu. Tôi nghĩ là thực hiện việc này không dễ và cần có quyết tâm lớn từ doanh nghiệp cổ phần hóa, cũng như các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Nguyên tắc bảo toàn vốn Nhà nước rất khó thực hiện một cách triệt để nếu muốn cổ phần hóa nhanh chóng, tránh ách tắc như hiện tại.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hải Đăng

Xem thêm: Chậm trễ cổ phần hoá, Tổng công ty Giấy VN còn liên tục vướng kiện tụng