Đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018
20:03 | 26/09/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 26/9, Bộ Công Thương đã tổ chức Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018, tổng số lượng đường đấu giá 94.000 tấn đường (mã HS 17.01) trong đó có 65.000 tấn đường thô, 29.000 tấn đường tinh luyện.
Phiên đấu giá được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 77/VPCP ngày 10/7/2018 về việc đồng ý tiếp tục áp dụng quy định về việc áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đến hết năm 2019.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, năm 2016, 2017, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường và để tổ chức phiên đấu giá năm 2018 thành công, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 22/2018/TT-BCT và hai Quyết định 2537 và 3045. Cùng đó, Hội đồng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018 cũng ban hành Quyết định về Quy chế tham gia đấu giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018 được tiến hành theo nguyên tắc công khai, công bằng, minh bạch với sự tham gia của các ban, ngành, doanh nghiệp.
Kết quả của Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2018 cụ thể như sau:
Kết quả đấu giá đường thô
4 thương nhân tham gia đấu giá hồ sơ và phiếu bỏ giá hợp lệ, có 4 thương nhân trúng đấu giá, gồm:
Công ty Cổ phần Đường Việt Nam: 20.000 tấn.
Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa: 4.000 tấn
Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa: 2.000 tấn.
Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai: 2.000 tấn.
Kết quả đấu giá đường tinh
15 thương nhân tham gia đấu giá có hồ sơ hợp lệ. Trong đó, 2 thương nhân có phiếu bỏ giá không hợp lệ. Kết quả, 8 thương nhân trúng đấu giá, cụ thể là:
Công ty Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam: 1.000 tấn.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi: 500 tấn.
Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk: 20.000 tấn.
Công ty TNHH FES (Việt Nam): 1.000 tấn.
Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam: 1.000 tấn.