Đầu năm 2020 đến nay: Chậm giải ngân vốn đầu tư công khiến nhiều dự án kém hiệu quả
Mặc dù chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm 2020 vẫn thấp so với yêu cầu.
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước” do Kiểm toán nhà nước tổ chức vào sáng 22/9.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây bất lợi cho phát triển kinh tế.
Theo số liệu của Kiểm toán nhà nước, từ đầu năm 2020 đến nay, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm là 159 nghìn tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao); trong đó: vốn trong nước là 145 nghìn tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7,061 nghìn tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7,065 nghìn tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).
Đánh giá về kết quả này, tại hội thảo, ông Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: Mặc dù chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.
Theo ông Tiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do nhiều yếu tố chủ quan, nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.
Ông Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước, Chuyên ngành IV. Ảnh DNVN/HuongLan.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước, Chuyên ngành IV cho biết: Trên cơ sở kết quả kiểm toán tại các dự án đầu tư và tổng hợp, cập nhật báo cáo của các bộ, ngành và địa phương về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo đó, việc giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, ngành địa phương đạt tỷ lệ thấp do một số do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật về đầu tư công, như: Thủ tục điều chỉnh dự án chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài; Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; việc thực hiện phân cấp chưa triệt để; sự khác biệt về thủ tục giải ngân, rút vốn giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đối với các dự án ODA…
Do đó, để giải quyết cơ bản tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Thọ kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các Bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho Bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân; thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao.
Bên cạnh đó, ông Thọ nhấn mạnh, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, cần chú trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ sản phẩm đầu ra, đảm bảo phù hợp với phương án, tiêu chí lựa chọn.
Đông Nghi