Dòng tiền hưng phấn, VN-Index thẳng tiến trên đà vượt 1.500: Giải ngân vào cổ phiếu nào?

Diên Vỹ 11:36 | 11/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong kịch bản cơ sở của nhiều công ty chứng khoán, chỉ số VN-Index có thể kết thúc năm ở vùng trên 1.500 điểm, với thanh khoản bình quân kỳ vọng tăng lên ít nhất 26.000 tỷ đồng/ phiên.

Kỳ vọng VN-Index tái lập đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những diễn biến tăng tích cực trong nửa đầu 2025.

Trong quý đầu năm, trước thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan đối ứng ngày 2/4, chỉ số tăng ổn định với động lực đến từ các kỳ vọng về chính sách thúc đẩy kinh tế trong nước, cũng như các kết quả khả quan từ tăng trưởng kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bước sang quý II, thị trường trải qua nhiều biến động trồi sụt, giảm sốc cho đến khi thông tin thuế đối ứng tạm hoãn vào ngày 9/4 trước khi phục hồi mạnh mẽ cho đến hết quý với sự đóng góp đáng chú ý đến từ nhóm cổ phiếu họ Vingroup.

Tính từ đầu năm đến hết quý II, chỉ số VN-Index tăng 8,9% về điểm số, đồng thời giảm 12%% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ. 

 VN-Index trước triển vọng vượt 1.500 điểm vào cuối năm. Ảnh: KBSV

Trong nửa sau của 2025, các công ty chứng khoán thống nhất nhận định rằng trong bối cảnh thuế quan tiềm ẩn tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu, các động lực tăng trưởng trong nước sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nữa và trở thành yếu tố quan trọng hỗ trợ xu hướng tăng của TTCK. 

Đáng chú ý, nhiều công ty chứng khoán chung kỳ vọng VN-Index có thể vượt 1.500 điểm vào cuối năm nay.

Cụ thể, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm kỳ vọng trong kịch bản cơ sở, VN-Index có thể đạt 1.555 điểm với P/E đạt 14,6x và EPS thị trường +12%.

Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm nhờ ba yếu tố: (i) kỳ vọng nâng hạng thị trường, (ii) các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng và (iii) các bước tiến tích cực tiếp theo từ nghệ thuật ngoại giao linh hoạt.

Cũng theo VCBS, VN-Index gia tăng có thể giúp thanh khoản bình quân tăng lên ít nhất là mức 26.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí 27.000-29.000 tỷ đồng/ phiến trong kịch bản khả quan.

 Định giá TTCK Việt Nam vẫn còn hấp dẫn. Ảnh: VCBS

Một số yếu tố khác đóng góp cho thanh khoản nửa cuối năm bao gồm triển vọng nâng hạng thị trường trong kỳ tháng 9/2025 và đón dòng tiền khối ngoại ròng lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD trong quý III bao gồm 950 triệu USD từ các quỹ ETF thụ động mô phỏng theo rổ chỉ số FTSE Emerging Markets Index và tỷ trọng vốn hoá của thị trường VN là 0,94%).

Cùng đó là kỳ vọng khối ngoại chuyển trạng thái từ bán ròng mạnh sang mua ròng nhờ nâng hạng và sự suy yếu tương đối của đồng USD làm giảm quá trình rút ròng, cũng như triển vọng tích cực từ đàm phán thuế quan giúp duy trì vị thế của Việt Nam như điểm đến đầu tư hấp dẫn so với trong khu vực.

Cuối cùng, việc hàng loạt doanh nghiệp quy mô lớn lên kế hoạch chuyển sàn sang HOSE như BSR, MCH, VAB, BVB,… cũng sẽ là nguồn đóng góp thanh khoản mới cho thị trường. 

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 1.530 điểm vào cuối năm nay, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 15% và mức định giá P/E ở 14,2 (tương đương quanh mức bình quân 3 năm trừ 1 độ lệch chuẩn – đồng thời thấp hơn mức bình quân 10 năm gần nhất là 16,6 lần).

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS mới đây khi nhận định về xu hướng thị trường nửa cuối năm cũng dự báo VN-Index có thể lên vùng cao mới là 1.500 – 1.550 điểm. Cụ thể, theo vị chuyên gia phân tích, trong ngắn hạn, RSI và một số chỉ báo kỹ thuật đang vào vùng quá mua. Vì vậy, ở những vùng kháng cự như 1.430 hay 1.450 điểm, thị trường có thể sẽ xuất hiện những đợt điều chỉnh kỹ thuật. Nhưng khi những đợt điều chỉnh đã qua, thị trường sẽ lấy đà và lên vùng cao mới là 1.500 – 1.550 điểm trong 6 tháng tới, vị này dự báo.

Giải ngân vào cổ phiếu nào?

Về khuyến nghị đầu tư, VCBS đưa ra khuyến nghị với hai chiến lược đầu tư theo vốn hóa và theo nhóm ngành.

Thứ nhất, với chiến lược đầu tư theo vốn hóa, các chuyên gia gợi ý rằng nhóm Bluechips (cổ phiếu vốn hóa lớn) vẫn tiếp tục là điểm đến của dòng tiền lớn với kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi và trong bối cảnh các quốc gia lớn tiếp tục nới lỏng tiền tệ, cùng tín hiệu tích cực từ đàm phán thuế quan với Mỹ.

Trong khi đó, nhóm Midcaps - Smallcaps (cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ) được dự báo sẽ hồi phục khi có tín hiệu tăng trưởng lợi nhuận bắt kịp nhóm Bluechips và đón nhận dòng tiền lan tỏa từ Bluechips.

Trong bối cảnh đó, VCBS khuyến nghị chiến lược đầu tư tối ưu hóa danh mục, giải ngân ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn, hưởng lợi từ các cải cách pháp lý hưởng lợi trong nửa sau của năm.

Thứ hai, với chiến lược đầu tư theo nhóm ngành, 6 nhóm ngành được VCBS gợi ý bao gồm Ngân hàng, Chứng khoán, BĐS dân dụng, Đầu tư công, Tiêu dùng, Điện.

Với nhóm Ngân hàng, luận điểm đầu tư là tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng 16% vào cuối năm 2025 cùng NIM tạo đáy và nợ xấu giảm dần khi hoạt động thu hồi nợ xấu thuận lợi hơn. Theo các chuyên gia, định giá toàn ngành đang ở mức hấp dẫn trên nền tăng trưởng. 

Nhóm Chứng khoán kỳ vọng KQKD cải thiện trên tất cả các mảng dịch vụ khi doanh thu môi giới tăng trưởng với phí giao dịch cạnh tranh, dư nợ margin tăng mạnh và IB khởi sắc với thị trường IPO sôi động trong diễn biến tích cực của thị trường.

Nhóm BĐS dân dung dự báo nguồn cung cải thiện khi được hỗ trợ tích cực với các giải pháp quyết liệt về pháp lý. Nhu cầu nhà ở được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao với môi trường lãi suất thấp và nhiều chính sách tháo gỡ. 

Nhóm đầu tư công hưởng lợi nhờ giải ngân đầu tư công tăng tốc vào cuối năm, đặc biệt là trong năm cuối của chu kỳ đầu tư công trung hạn, cùng chính sách mới ban hành giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của ngành. 

Ngành Tiêu dùng – Thực phẩm hưởng lợi từ chính sách ưu đãi cùng cầu tiêu dùng tiếp tục trong xu hướng hồi phục tới cuối năm. Trong đó, các doanh nghiệp chăn nuôi đáng chú ý khi giá heo hơi được dự báo tiếp tục neo cao.  

Với ngành điện, sản lượng điện kỳ vọng tăng trưởng khoảng 6% svck trong nửa cuối năm. Năng lượng tái tạo tiếp tục được triển khai với Quy hoạch Điện VIII. Điện than tích cực khi thời tiết tiến vào trạng thái trung lập với khả năng LaNina quay trở lại là 40%. 

 Ảnh: VCBS