Đầu Xuân nói về doanh nghiệp phát triển bền vững
Tâm huyết với vấn đề doanh nghiệp và PTBV, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, không chỉ ở cấp độ ý tưởng, tại Việt Nam, có gần như đầy đủ văn bản chính sách về PTBV, ví như chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam có tất cả chương trình nghị sự tăng trưởng xanh và chính sách tại Việt Nam cũng đã có những động lực ấy để thúc đẩy PTBV.
“Câu chuyện môi trường để PTBV đã thực sự là một ngành kinh tế, tạo lợi nhuận, đóng góp ngân sách. Chương 7 của Hiệp định EVFTA có cả một chương vừa về kinh tế, vừa về phát triển bền vững. Điều này rất đặc biệt. Đã có startup Việt dẫn đầu phong trào về xử lý chất thải nhựa ở đại dương, muốn mở rộng ảnh hưởng ra khu vực ASEAN. Đây là thông tin hết sức lạc quan”, ông Thành nói.
“Ví dụ, nếu DNVVN có quy trình sản xuất tốt có được thưởng không, có được ưu đãi không? Chỉ số chỉ tiêu của bức tranh PTBV vẫn rất truyền thống, bao gồm 12 chỉ tiêu. Tuy nhiên, các chỉ tiêu mới của Quốc hội về PTBV có gắn với chỉ tiêu này của Chính phủ hay không? Bao nhiêu doanh nghiệp Việt đã có quy trình xanh? Tất cả đều phải được tổng kết”, ông Thành nói.
Sự sống còn của doanh nghiệp muốn phát triển
Cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều điển hình về PTBV. Tại buổi vinh danh Doanh nghiệp PTBV 2019, đại diện của các doanh nghiệp nhận giải đều chứng tỏ được những bước đi vững chắc trong gắn kết giữa PTBV và động lực tăng trưởng.
Đây hoàn toàn là câu chuyện lợi nhuận, câu chuyện hiệu quả kinh doanh bền vững. Cái tiếp theo là xanh hóa quá trình quản trị và sản xuất kinh doanh. Với công nghệ hiện nay, không chỉ điện mặt trời, điện gió mà công nghệ hiện nay đang làm xanh hóa quá trình quản trị và sản xuất kinh doanh rất nhiều. Xanh hóa tạo ra rất nhiều sản phẩm tốt đáp ứng cách mạng tiêu dùng.
Tiêu biểu cho các doanh nghiệp PTBV phải nói đến HEINEKEN Việt Nam. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này đạt được giải thưởng PTBV, đặc biệt được vinh danh trong top 3 doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam, nhờ những nỗ lực liên tục trong phát triển bền vững và những tác động tích cực mà công ty tạo ra cho kinh tế-xã hội Việt Nam.
Để đảm bảo các sáng kiến về phát triển bền vững có thể tạo ra giá trị thiết thực cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng ở Việt Nam, Công ty chủ động xây dựng văn hóa phát triển bền vững trong toàn nhân viên công ty và những đối tác liên quan để cùng cân nhắc và lựa chọn phát triển bền vững trong các hoạt động của mình.
HEINEKEN Việt Nam đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua việc tái chế nắp chai bia làm vật liệu xây cầu. Dự án đã thực hiện thành công ba mục tiêu: Thúc đẩy tái chế, giảm rác thải, cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng. Khởi động từ năm 2018, đến nay, dự án đã xây được 2 cây cầu tại tỉnh Tiền Giang và An Giang từ việc dùng nắp bia tái chế làm nguyên liệu. Cây cầu thứ ba đang được triển khai và sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2020 tại TPHCM.
Để bảo vệ hành tinh, HEINEKEN Việt Nam cũng đã lựa chọn sử dụng năng lượng tái tạo, giúp giảm mức tiêu thụ nước và đạt đến hầu như không chất thải chôn lấp trong sản xuất với 99% chất thải và phụ phẩm từ sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế.
Nhấn mạnh về văn hóa doanh nghiệp - chìa khóa PTBV, ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết tạo nên PNJ vững mạnh trong 31 năm qua, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả các nguồn lực, kích hoạt tiềm năng, tăng cường sức cạnh tranh và có vị thế vững chắc trên thị trường toàn cầu.
PNJ bám sát tôn chỉ “nội lực mạnh, bứt phá nhanh, kỳ tích lớn”, muốn phát triển lâu dài thì phải xây dựng nền móng vững chắc, xây dựng con người làm cốt lõi, tiếp cận nhanh chóng công nghệ hiện đại, tạo đà phát triển vượt bậc cho tương lai.
Câu chuyện về sự ra đời của đoạn đường giao thông từ phế liệu nhựa đầu tiên tại Việt Nam tại Khu công nghiệp Đình Vũ (DEEP C), Hải Phòng thời gian qua được xem là một trong những khu công nghiệp đầu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong bối cảnh các khu công nghiệp chưa bị sự ép buộc mạnh mẽ từ phía Nhà nước. Họ hoàn toàn chủ động thực hiện vì chính sự phát triển của mình.
"Những con đường mới, bền hơn và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các doanh nghiệp tại khu công nghiệp của chúng tôi mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam", ông Bruno nói.
Mô hình PTBV của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được mở rộng, không chỉ vì sự hoàn thiện của các chính sách tại Việt Nam mà còn vì chính mong muốn trụ vững, lớn mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp.