GS, TS Hoàng Văn Cường: ‘Sự mở màn cho việc thay đổi phương thức quản lý không dựa vào quy trình mà dựa vào yêu cầu cuộc sống, kết quả đầu ra’
Khi đã phân cấp, phân quyền rồi thì trách nhiệm của ai người đó phải giải quyết
Bàn về định hướng của Chính phủ đầu tư cho sự phát triển, GS, TS Hoàng Văn Cường bày tỏ sự vui mừng trước quyết tâm đổi mới xây dựng thể chế và coi xây dựng thể chế là một yếu tố như đầu tư phát triển của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo ông Cường, để phát triển bằng con đường đầu tư vốn còn phụ thuộc vào tiền, vào nguồn lực. Nhưng để thúc đẩy phát triển mà dựa vào con đường cải cách, thay đổi thể chế thì hầu như không tốn kém nguồn lực về tiền bạc mà lại khơi thông, cởi trói các ràng buộc để tạo ra các nguồn lực mới cho phát triển. Bởi vậy, chỉ đạo của Thủ tướng rất đúng, rất trúng giải quyết nút thắt lớn nhất trong định hướng cho khơi thông nguồn lực, tạo ra nguồn lực cho phát triển, chính là vấn đề cải cách, thay đổi thể chế.
Giai đoạn vừa qua, khi dịch diễn ra, chúng ta cần có tinh thần xử lý rất kịp thời, chống dịch như chống giặc, không thể chờ xin ý kiến, chờ về góp ý hay xin quyết định mà tướng ra trận phải quyết định ngay, không thể chờ đợi thủ tục, quy trình được.
Thời gian qua, chúng ta đã thấy những thay đổi, hành động theo hướng bám vào yêu cầu thực tiễn và phải quyết định khi thực tiễn đòi hỏi. Điển hình là tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 30/2021/QH15 đã quy định rõ gần như trao quyền cho Chính phủ toàn quyền hành động.
Thông thường, Chính phủ, nhà quản lý chỉ được làm những điều luật pháp cho phép nhưng Nghị quyết 30 đã cho làm cả những việc luật pháp chưa cho phép. Nếu thấy có những quy định luật pháp cần phải được thay đổi thì báo cáo Quốc hội. Quan trọng nhất phải là quyết định có đáp ứng yêu cầu thực tế hay không.
Những thay đổi về thể chế, phương thức ra quyết định trong thời gian dịch vừa qua không chỉ có ý nghĩa thích ứng, giải quyết vấn đề đặt ra trong dịch bệnh mà sẽ là tiền đề để chúng ta chuyển sang hướng mới để cải cách về mặt hành chính, thể chế.
“Những năm trước, ta chỉ tập trung cắt giảm, đơn giản hóa nhưng việc thực chất hay không còn chưa thể khẳng định. Nay Chính phủ chủ trương chuyển sang phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực, quyền lực kèm theo kiểm tra, giám sát đánh giá.
Và khi đã phân cấp, phân quyền rồi thì thuộc trách nhiệm của ai người đó phải giải quyết, không thể đùn đẩy. Lúc này đừng nói là khó, đừng nói là vướng mà phải thấy trách nhiệm của mình đến đâu thì xử lý ngay, vướng chỗ nào giải quyết ngay chỗ đấy, sửa ngay chỗ đấy. Đây là một sự mở màn cho việc thay đổi phương thức quản lý, không dựa vào quy trình quy định nữa mà dựa vào yêu cầu cuộc sống, kết quả đầu ra”, ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người cán bộ quản lý, không chỉ ở việc tuân thủ quy định, ở việc có vi phạm luật pháp không mà ở chỗ đã đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra chưa? Phải lấy tiêu chí đáp ứng yêu cầu của người dân, của doanh nghiệp trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc.
Khi chuyển hướng như thế, buộc lòng các cơ quan quản lý nhà nước, những cán bộ quản lý nhà nước phải tự thay mặt cho người dân, doanh nghiệp nghĩ xem những quy định hành chính hiện hành đang bất hợp lý cái gì, không phù hợp cái gì và phải xử lý như thế nào?
Có như vậy mới hạn chế được tình trạng người dân, doanh nghiệp đến kiến nghị thì cơ quan quản lý trả lời vướng quy định này, quy trình kia không cho phép. Còn sự hợp lý có hay không thì không cần biết.
Việc này sẽ tháo gỡ tối đa được rào cản thủ tục hành chính, từ đó khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Quá trình tăng trưởng phải mang lại lợi ích cho mọi người chứ không chỉ cho một nhóm nhất định
Cùng bàn về giải pháp phát triển bền vững, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến đời sống, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định: Để có thể phát triển bền vững thì tiền đề đầu tiên là phải có sự phát triển. Sự phát triển này phải lành mạnh. Sự phát triển kinh tế trong một quá trình dài dựa trên nền tảng vững vàng về kinh tế vĩ mô về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thân thiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đó là môi trường có chi phí kinh doanh thấp và những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa cả trong bối cảnh bình thường lẫn bối cảnh khó khăn, khủng hoảng hay như đại dịch. Đây là cái vô cùng quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Chúng ta cần có môi trường thể chế hỗ trợ cho phát triển, cho tăng trưởng kinh tế. Những thể chế, quy định pháp luật và quy trình thực thi các quy định pháp luật đảm bảo được tăng trưởng kinh tế trong dài hạn hỗ trợ các thành phần của thị trường vận hành một cách thuận lợi. Nguyên tắc của thị trường được đảm bảo, hoạt động của thị trường luôn luôn minh bạch. Sự cạnh tranh giữa các thành phần – chủ thể khác nhau trong nền kinh tế luôn đảm bảo minh bạch, rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc của thị trường.
“Sự phát triển này cần phải dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường, những nền tảng đảm bảo được sự phát triển đó có định hướng vì mục đích dài hạn, trong đó các tác nhân khác nhau đều bình đẳng trước pháp luật. Lấy quy định pháp luật làm chủ thể chính, nguyên tắc chính trong quá trình phát triển.
Và quá trình tăng trưởng này phải mang lại lợi ích cho mọi người chứ không chỉ cho một nhóm nhất định. Phát triển muốn bền vững là phải phát triển đồng đều, công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội, ở bất cứ khu vực nào. Đó là nền tảng đầu tiên để phát triển một các bền vững”, ông Bình nói.
Cũng theo Giám đốc điều hành Economica Vietnam, nếu duy trì được nền tảng này cộng với có chính sách phù hợp thì sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sức chống trọi trước những biến cố, những ngoại cảnh bất thường xảy ra, trước cả sự cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh tự thân. Đó là nền tảng của năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia. Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của phát triển bền vững. Nếu doanh nghiệp có năng lực cao, có khả năng chống chịu cao và chiến lược phòng ngừa rủi ro hợp lý, giải pháp nâng cao đầu tư, lao động, đổi mới công nghệ,…sẽ là đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Từ đó, chúng ta hướng ra những mục tiêu khác nữa như các vấn đề về xã hội, môi trường…là những thứ cần phải lồng ghép trong quá trình tăng trưởng để đạt được sự bền vững, ông Cường phân tích.