Để doanh nhân hòa nhịp đời sống dân tộc

11:24 | 25/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng lẫn chất, ngày càng có vai trò trụ cột, đóng vai trò động lực cơ bản cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Thực tế, sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng doanh nhân gắn với sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Hiện nay, với trên 715.000 doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký), thì số lượng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lên đến trên 5 triệu người.

Nhiều gương mặt doanh nhân không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam, mà còn được các tổ chức quốc tế vinh danh ngày càng nhiều như Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), Mai Kiều Liên (Tổng Giám đốc Vinamilk), Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan)...

Vượt lên nghịch cảnh, có trách nhiệm với cộng đồng

Trong đại dịch Covid-19, vẫn có những doanh nghiệp tăng trưởng tốt vì những sáng tạo trong hoạt động kinh doanh như qua hoạt động  trực tuyến, giao hàng trực tuyến, dịch vụ họp, thiết bị họp trực tuyến, y tế, dược phẩm…

Báo cáo e-Conomy SEA 2020 chỉ ra 5 lĩnh vực đang và sẽ dẫn dắt nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á, gồm thương mại điện tử, gọi xe và giao đồ ăn, du lịch trực tuyến, truyền thông số và các dịch vụ tài chính số cá nhân. Đó sẽ là những lĩnh vực cần những sản phẩm, dịch vụ mới để giải quyết những vấn đề còn ngổn ngang của xã hội, nền kinh tế trong nước.

Mặc dù không có công thức bí mật để thành công, nhưng có một điều cực kỳ quan trọng từ những câu chuyện của họ. Những người sáng lập doanh nghiệp hay khởi nghiệp thành công đó là những câu chuyện truyền cảm hứng của họ về việc vượt qua nghịch cảnh, được thúc đẩy bởi lời hứa về sự giàu có, thịnh vượng, trách nhiệm với cộng đồng.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đánh giá: Qua đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam thật sự nổi bật nhờ sức chịu đựng, sự linh hoạt, nhạy bén và năng động.

 “Sự nhạy bén và thích nghi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam rất tốt. Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam tuy còn mỏng, chưa thật sự lớn mạnh, năng lực tài chính  nhìn chung còn yếu nhưng tinh thần kinh doanh, vươn lên để phát triển, rất đáng khen ngợi, đáng nể phục. Đại dịch vừa rồi có “nguy” nhưng cũng mở ra cơ hội cho các DN phát triển trong giai đoạn tới”, ông Lịch khẳng định và nói tiếp: “Qua đại dịch, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc đảm đương nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm với xã hội và cộng đồng”.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cũng nhìn nhận qua đại dịch Covid-19, bài học lớn nhất là giữ sức sống và niềm tin của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam chủ động, luôn luôn tự chống đỡ, chèo lái để vượt qua khó khăn, không chờ mong một sự cứu giúp to lớn từ bên ngoài.

Bên cạnh những doanh nhân thành công của thế hệ trước, thị trường ghi nhận sự lớn mạnh của thế hệ doanh nhân trẻ. Thị trường đang chứng kiến một đợt chuyển giao cho thế hệ kế cận của nhiều tập đoàn lớn. Đặc điểm nổi bật của đội ngũ doanh nhân thế hệ mới là sự gia tăng tri thức, năng lực tiếp thu cái mới, tính năng động và quyết đoán, khả năng hội nhập toàn cầu... Phần lớn doanh nhân trẻ đều thành công ở các lĩnh vực kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế số và đầu tư khởi nghiệp.

Đến giờ phút này, những bài học từ đại dịch ít nhiều đều giúp nền kinh tế có thêm kinh nghiệm để phát triển hiệu quả hơn trong tương lai. Các doanh nhân đều thừa nhận, để thử thách bản lĩnh kinh doanh, luôn cần phải có một cú sốc, một cú choáng, để mọi người trên cùng thuyền, vào cùng thời điểm đó, nhận thấy rõ là có thể tạo ra sự thích nghi riêng, để tồn tại và nghĩ về nhau nhiều hơn.

Để doanh nhân hòa nhịp đời sống dân tộc - ảnh 1

 

Nỗ lực vì một Việt Nam hùng cường

Có thể thấy, sự thành công và cả sinh mệnh của doanh nhân phụ thuộc vào thị trường, vào tài năng kinh doanh của chính họ. Đó là đương nhiên, nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách, môi trường pháp luật và cả sự nhìn nhận của cộng đồng xã hội.

Và để hướng tới một Việt Nam hùng cường, cần phải gia tăng hơn nữa tỉ lệ các doanh nhân, đại diện cho các doanh nhân và tăng thêm lực lượng trí thức trong những vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi lẽ khi có sự gia tăng như thế, hơi thở cuộc sống, thực tế thương trường sẽ được hiện thực hóa trong nhiều quyết sách quan trọng.

Trong phần lớn sự nghiệp kinh doanh của những doanh nhân thành công, dù bị thất bại , vấp ngã nhiều lần và trải qua vô vàn thử thách, họ vẫn yêu công việc kinh doanh của mình mỗi ngày. Sau đó, khi tạo ra được mô hình kinh doanh, các sản phẩm toàn cầu, họ vẫn mang suy nghĩ đó vào công việc hằng ngày và sử dụng nó để thúc đẩy nhân viên của mình. Nói cách khác, khi họ nhìn thấy đồng đội, họ trở nên mạnh mẽ, điều này làm họ thấy công việc của mình có ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống hơn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc từng khẳng định: Công cuộc Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI (năm 1986) đã đánh dấu sự “hồi sinh” của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đảng ta chủ trương xây dựng đội ngũ doanh nhân cùng với việc xây dựng giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Đó là những dấu ấn đáng tự hào. 

Sau đối thoại "Việt Nam 2045" vừa diễn ra, ông Đặng Hồng Anh (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ) cho rằng cần xem giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng để tạo tiền đề cho Việt Nam  có thể trở thành nước phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Những chặng đường vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong đồng hành với sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp tư nhân đã thực sự lớn mạnh về quy mô, đóng góp lớn, tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như tham gia sâu vào nhiều lĩnh vực đòi hỏi trí tuệ, công nghệ cao, không còn là luẩn quẩn trong những lĩnh vực thâm dụng lao động như trước. Họ cũng mong đợi Nhà nước tiếp tục có các chính sách để doanh nghiệp tư nhân phát triển một cách mạnh mẽ, xem phát triển kinh tế tư nhân xứng tầm là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Trọng Trí

Xem thêm 

30 doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội, mong môi trường kinh doanh nhuận sắc