Đề xuất chính sách đặc thù giải phóng mặt bằng đường Hoàng Cầu - Voi Phục
Mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù của các loại đất nông nghiệp, đất công... đã áp dụng cho các dự án trên địa bàn TP để báo cáo UBND TP cho phép áp dụng cho dự án đường Vành đai 1, theo Hà Nội Mới.
Giải pháp này nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng giao UBND các quận Ba Đình, Đống Đa rà soát, tổng hợp, báo cáo rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các loại đất nông nghiệp, đất công,... trong phạm vi giải phóng mặt bằng đường Vành đai 1 để Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách áp dụng chính sách đặc thù.
Đồng thời, tập trung thu hồi mặt bằng các hộ dân đã phê duyệt phương án; tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân đã đủ điều kiện (tái định cư, chi trả tiền,...) bàn giao mặt bằng để thi công; khoanh vùng, xác định từng khu vực theo kế hoạch thi công để tập trung giải phóng mặt bằng đồng bộ.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu đề xuất phương án giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân về quy hoạch của dải đất 6.083 m2 giữa đường Đê La Thành - Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Láng Hạ và chỉ giới đường đỏ khu vực Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo Tiền Phong, đại diện Ban QLDA cho biết, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công đã được HĐND TP thông qua, Ban đã được UBND TP Hà Nội giao kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 bao gồm: 17 dự án trường học; 25 dự án trụ sở TAND, Viện KSND quận huyện; 9 dự án giao thông; 5 dự án nhà ở tái định cư và hai dự án dân dụng khác.
Trên cơ sở nhiệm vụ được UBND TP giao triển khai lập đề xuất chủ trương một số dự án hạ tầng giao thông đô thị, Ban QLDA đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai hoàn thành công tác lập và trình thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư/ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 9 dự án tuyến đường giao thông bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Khởi công ba dự án: Tuyến đường số 5 khu đô thị Tây Hồ Tây; trụ sở TAND quận Bắc Từ Liêm; trụ sở TAND huyện Thanh Trì.
Ngoài ra, Ban QLDA cũng đã hoàn thành 6 công trình (Trường THPT Trương Định, Trường THPT Ngọc Tảo, trụ sở Viện KSND quận Bắc Từ Liêm, Trường THPT Đông Anh, trụ sở Viện KSND TP, trụ sở Viện KSND huyện Ba Vì) và tiếp tục phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng công trình trụ sở TAND TP trong quý I/2022.
Đồng thời tổ chức GPMB, thi công các dự án đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh: Dự án đường Vành đai 1; Liên cơ Vân Hồ; tuyến đường số 5 vào khu đô thị Tây Hồ Tây;....
Năm 2022, Ban QLDA khởi công mới 5 dự án, gồm: Tuyến đường số 8 và các tuyến kết nối khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm; Trường THPT Ngọc Hồi; Nhà TĐC tại phường Trần Phú quận Hoàng Mai (nhà A,D); Đường Đại lộ Thăng long đoạn nối từ QL21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình; Nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long.
Ngoài ra, Ban QLDA dự kiến hoàn thành bàn giao 7 dự án gồm: Trụ sở TAND TP, TAND quận Hà Đông, TAND huyện Thanh Trì; TAND quận Bắc Từ Liêm; Trụ sở VKSND huyện Thường Tín; trường THPT Yên Lãng; trường Mầm non B…
Tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m (bao gồm hai cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).
Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục.
Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là hơn 7.200 tỷ đồng. Đây là tuyến đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” với tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng; chi phí đầu tư mỗi mét đường lên tới hơn 3,4 tỷ đồng.