Đề xuất doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nông nghiệp ở Việt Nam phải hỗ trợ xuất khẩu nông sản

Nhật Tân 15:50 | 24/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trăn trở với tình trạng “giải cứu nông sản”, ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Úc, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, người sáng tạo thương hiệu cà phê nông sản Việt - cafe Meet More cho rằng cần phải có điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, nông nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Úc, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu. Nguồn: tuoitre.vn.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, trong những năm vừa qua, thanh long Việt có thời điểm chỉ có 2.000 đồng/kg và phải đổ cho bò ăn, đổ đầy ngoài đường vì không có đầu ra. Trung Quốc không thu mua dẫn đến khó khăn cho người nông dân, tác động sâu tới đời sống kinh tế của địa phương.

Với một thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như hiện nay, nhất là những loại trái cây rất giàu chất dinh dưỡng, giàu các loại vitamine và bổ dưỡng mà chỉ có ở Việt Nam, nhưng chúng ta lại yếu trong việc tận dụng để chế biến thành những loại nước uống hàng ngày hoặc chế biến ra các sản phẩm khác từ những nguyên liệu này để cho chính dân chúng ta dùng, mặt khác nhằm giúp cho nông dân có một thị trường đầu ra ổn định, trong khi mặt hàng tương tự này nhập về cũng không ít.

Điều này rất quan trọng đối hàng chục triệu người nông dân Việt, đặc biệt quan trọng là giúp hơn 90 triệu dân cả nước thành người tiêu dùng được sử dụng những loại thực phẩm chất lượng cao ngay chính tại đất nước mình, có thể thay thế được các loại sản phẩm có xuất xứ từ nông sản nước khác trên thị trường hoặc thậm chí không tốt cho sức khỏe.

Đây cũng là lý do ông Luận cho ra đời sản phẩm coffee hòa tan trái cây - cafe Meet More. Ông đã đưa dừa, đậu xanh, bạc hà, khoai môn, xoài, trái nhàu… vào cà phê hòa tan bằng phương pháp kỹ thuật chế biến, trở thành một thức uống hàng ngày cho giới trẻ, cho những người không uống được cà phê nặng và trở thành một món đồ uống mới trên thị trường.

“Cà phê nông sản Việt là sản phẩm của một “tư duy khác biệt ” không giống ai và cũng không  lẫn vào đâu trên thị trường. Để có được cái tư duy khác biệt đó, tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng thành công bước đầu này khiến tôi rất vui vì ít nhiều đã làm được việc mà bấy lâu nay tôi thực sự đau đáu trong lòng”, ông Luận chia sẻ.

Chế biến xoài xuất khẩu giúp giá trị nông sản được tăng lên nhiều lần. Nguồn: haiquanonline.com.vn.

Theo ông Luận, nếu cứ làm những việc tự phát cho phong trào đưa giải pháp cho nông sản Việt Nam cất cánh sẽ không có yếu tố phát triển, không mang tính bền vững.

Cần có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng để phục vụ thị trường, phải xây dựng chiến lược truyền thông dài hạn cho việc tuyên truyền “Người Việt Nam tự hào khi sử dụng hàng Việt”  kể cả trong và ngoài nước.

Trong bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt, cần đề cao và luôn nhấn mạnh quan điểm chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên liệu thô. Đây chính là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế.

Đối với các lãnh sự quán ở các nước, nên có chỉ tiêu cho phòng thương mại Việt Nam tại nước sở tại phải phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm vào nước sở tại. Có các phòng trưng bày về nông sản Việt tại các thành phố ở nước sở tại để giới thiệu cũng như xúc tiến thương mại thường xuyên giũa các doanh nghiệp 2 nước.

Cùng với đó, cần liên kết và truyền thông, giới thiệu đến các hội cựu sinh viên, sinh viên Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại về các sản phẩm nông sản Việt để mọi người biết và ủng hộ..

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài, cần xây dựng các Trung tâm xúc tiến Thương mại, tổ chức kết nối thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để nắm bắt và tổ chức được các buổi giao thương trực tiếp hoặc gián tiếp đến các doanh nghiệp và cũng cần có chương trình truyền thông thường xuyên cho cộng đồng người Việt tự hào hơn khi sử dụng hàng Việt Nam tại nước sở tại.

Để biến thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam thực sự mạnh mà không còn cần phải giải cứu, không còn phải lệ thuộc vào một thị trường mà quay lại phục vụ thật tốt chính thị trường của Việt Nam cũng như lan tỏa trên nhiều thị trường khác, ông Luận khuyến nghị:

“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, nông nghiệp, bắt buộc phải có điều kiện ràng buộc là họ muốn được hưởng lợi từ những chính sách đầu tư của Việt Nam thì hàng năm họ phải xuất khẩu hay hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu các loại nông sản ra nước ngoài. Có thể  xuất khẩu qua nước họ hoặc các nước đối tác họ đang có”.