Đề xuất sửa đổi Luật điện lực tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội

14:19 | 23/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với nhu cầu đầu tư rất lớn cho lĩnh vực năng lượng sạch, đề xuất sửa đổi Luật điện lực tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững".
Bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
 
 
Đề xuất sửa đổi Luật điện lực tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội - ảnh 1
Bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
 
Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Các mối đe dọa về an ninh năng lượng ngày càng lớn

 
 
Tại Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”, Bộ Công Thương cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.
 
Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; Tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.
 
Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn....
 
Những yếu tố này cho thấy, các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.  
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), việc khai thác 3 loại nguyên liệu thô là dầu thô, khí tự nhiên và than ngày càng khó khăn hơn và Việt Nam đang gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này trong những năm gần đây.
 
Cụ thể, với dầu thô, nếu như năm 2016 sản lượng khai thác đạt 15,2 triệu tấn từ nguồn trong nước thì năm 2020 đã giảm xuống còn 9,43 triệu tấn.
 
Tương tự, khai thác khí cũng giảm nhanh, từ mức 12,18 triệu tấn năm 2016 xuống còn 9,33 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, lượng than nhập khẩu về Việt Nam giai đoạn từ năm 2015-2019 tăng mạnh, từ 7-44 triệu tấn.
 
Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
 
Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.
 
Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…
 
Trước thực tế này, giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững được xem trọng hơn lúc nào hết.
 
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức, do đó, chủ đề an ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.
 
 
Đề xuất sửa đổi Luật điện lực tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội - ảnh 2
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại  Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”
 
“Từ 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng lên trong dài hạn. Các mối đe dọa lên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn và hiện hữu…,” ông Hiển nói.
 
Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức, do đó, chủ đề an ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.
  
Ông Hiển dẫn chứng, hiện nay trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là xuất khẩu dầu khí), còn lại là nhập khẩu và tự túc trong việc đảm bảo năng lượng. Trong đó, hơn 80% các nước có thu nhập thấp đều phải nhập khẩu năng lượng.
 
Đáng chú ý, gần 3/4 các quốc gia có thu nhập trung bình thấp có thời gian mất điện trung bình là hơn 24 giờ/tháng; khoảng 1/6 các quốc gia có thu nhập thấp thời gian mất điện trung bình là 144 giờ tương ứng khoảng 6 ngày/tháng…
 
Từ thực tế sản xuất và tiêu dùng năng lượng của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng từ năm 2007 đến nay, mục tiêu bảo đảm năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn…
 
Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Ví dụ, các chỉ tiêu về trữ lượng sản xuất than, dầu khí ngày càng giảm; chỉ tiêu về sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.
 

Hoàn thiện chính sách

 
Tại Diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, để có thể đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện. Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần thiết có thể lập các dự án thực hiện chuyển một số nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối... để có thể giảm thiểu những nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
 
 
Đề xuất sửa đổi Luật điện lực tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Với nhu cầu đầu tư rất lớn cho lĩnh vực năng lượng sạch, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đề xuất sửa đổi Luật điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện; xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, tạo chuỗi cung ứng…
 
Đồng tình ý kiến trên, thạc sỹ Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các chính sách thúc đẩy mô hình công ty dịch vụ năng lượng tương xứng với nhu cầu của xã hội.
 
Cùng với đó, ông đề xuất thành lập quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đây được coi là giải pháp nhằm tạo thị trường vốn cho hoạt động tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng trong tương lai.
 
Trước đó, ngày 20/11, tại hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050", do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chức, các ý kiến tham luận đã đưa ra 3 trụ cột năng lượng cùng hành động.
 
Đó là việc cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và phát triển công nghệ. Quan trọng nhất là xem xét chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghệ cao và tiêu thụ hao ít năng lượng và giảm dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
 
Tiết kiệm từ khâu nguồn điện như: nhiên liệu, các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, tổn thất điện năng đối với truyền tải, phân phối, điện tự dùng...Tiết kiệm năng lượng còn phải tính đến tiết kiệm từ khâu đầu tư các dự án năng lượng như việc đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, nhiệt điện dầu, xây dựng các hầm mỏ, xây dựng các mỏ dầu, các giàn khoan, xây dựng đường dây và trạm, truyền tải và phân phối.
 
Vốn đầu tư cho hệ thống năng lượng Việt Nam hàng năm chiếm khoảng hàng trăm tỷ USD nếu tiết kiệm 5 - 7% mỗi năm thì làm lợi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng... bổ sung vào ngân sách cho Nhà nước hoặc tái đầu tư cho ngành.
 
Tiết kiệm năng lượng cũng bao gồm việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo với ưu điểm lớn là không phải sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm - lợi thế lớn nhất. Năng lượng tái tạo không tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch mà giá thành sản xuất lại có xu hướng ngày càng giảm.
 
Minh Hoa