Đề xuất sửa đổi quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do với thức ăn chăn nuôi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quá trình thực hiện quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, về Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương (CFS) tại điểm c khoản 3 Điều 18, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phản ánh khó khăn về việc cung cấp CFS trong hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi truyền thống vì một số lý do sau:
1- Quy định về cấp CFS cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống còn có sự khác nhau giữa các quốc gia về cơ quan có thẩm quyền cấp (ở một số quốc gia, CFS được cấp bởi tổ chức, hiệp hội, không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
2- Chưa có cách hiểu thống nhất về văn bản có giá trị tương đương. Hiện nay, CFS có nhiều mẫu khác nhau, nhiều trường hợp cùng một mặt hàng, cùng một xuất xứ (cùng bang, cùng nước xuất khẩu như ở Hoa Kỳ) nhưng có mẫu CFS khác nhau do các cơ quan khác nhau cấp. Một số CFS có nội dung quy định sản phẩm thức ăn chăn nuôi chỉ được lưu hành tự do tại một bang, không phải trong phạm vi cả nước trong khi các bang khác của Hoa Kỳ lại cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do trong cả nước.
3- Một số nước xuất khẩu chưa cấp CFS cho một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi truyền thống, ví dụ Canada hiện nay không cấp CFS đối với mặt hàng đậu tương, Indonesia không cấp CFS đối với mặt hàng khô dầu cọ....
Ảnh minh họa
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 2 phương án sửa đổi như sau:
Phương án 1: Điểm c khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất xứ xác nhận sản phẩm được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đối với nguyên liệu đơn, thức ăn truyền thống, trừ các loại thức ăn truyền thống sau:
Hạt cốc nguyên hạt hoặc bột (Ngô, thóc, gạo, lúa mì, lúa mạch, kê, đại mạch, yến mạch, cao lương, lúa miến);
Cám (cám gạo, cám mì);
Hạt đậu nguyên hạt hoặc bột (Đậu tương, đậu xanh, đậu lupin, đậu triều);
Hạt có dầu (Hạt lạc, hạt bông, hạt lanh, hạt vừng, hạt điều, vỏ đậu tương);
Khô dầu (Khô dầu đậu tương, khô dầu lạc, khô dầu cọ, khô dầu hạt cải, khô dầu vừng, khô dầu hướng dương, khô dầu lanh, khô dầu dừa, khô dầu bông, khô dầu lupin);
Phụ phẩm chế biến từ ngũ cốc (Gluten ngô, gluten mì, gluten feed, DDGS (Distillers Dried Grain Solubles)); củ quả (Sắn, khoai, cà rốt); cây, cỏ trên cạn (Cỏ tự nhiên, cỏ trồng, cây họ hòa thảo, cây họ đậu)”.
Phương án 2: Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 18.
Theo Báo Chính Phủ