Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Đông Bắc 08:08 | 03/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo cơ quan quản lý, việc sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn giúp tạo dư địa điều chỉnh chính sách khi cần thiết.

 Trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo hướng: Mức thuế tối thiểu giữ bằng mức thuế tối thiểu hiện hành, điều chỉnh tăng mức thuế tối đa để tạo dư địa điều chỉnh chính sách khi cần thiết theo yêu cầu quản lý nhà nước.

Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế bảo vệ môi trường như hiện hành vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

 

 Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Ảnh BTC.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị đổi đơn vị tính đối với dầu mazut từ "lít" thành "kg" cho phù hợp với thực tế.

Theo quy định hiện hành, khung thuế bảo vệ môi trường đối nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định như sau: xăng, trừ etanol là 1.000-4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000-3.000 đồng/lít; dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 300-2.000 đồng/lít; dầu mazut là 300-2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 300-2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 300-2.000 đồng/kg.

Căn cứ cho đề xuất điều chỉnh khung thuế trên là theo các nghiên cứu cho thấy, xăng, dầu, mỡ nhờn là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, gây hại đến an toàn sức khỏe và môi trường sống như chì, lưu huỳnh, benzene... Ngoài ra, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung.

Cụ thể, tính toán theo mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 (4.000 đồng/lít đối với xăng và 2.000 đồng/lít đối với dầu diesel), nếu giá dầu thô thế giới trong khoảng từ 90-100 USD/thùng thì tỷ lệ thuế trong giá xăng, dầu khoảng 31% đối với xăng, 18,7% đối với dầu.

Trong khi đó, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40-55% đối với xăng và 35-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).

Ngoài ra, việc điều chỉnh mức thuế còn góp phần đảm bảo thuận lợi trong công tác điều hành nhằm chủ động ứng phó khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, phù hợp với xu hướng điều chỉnh tăng thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của các nước để thực hiện cam kết quốc tế về giảm mức phát thải ròng.

Ngày 30/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu , mỡ nhờn trong năm 2023. Mục tiêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ nhất trí điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, trừ Ethanol là 2.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít; Dầu diesel là 1.000 đồng/lít; Dầu hỏa là 600 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg. Thời hạn áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2023.

Từ đầu năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Nghị định kinh doanh xăng dầu

Tại Chỉ thị số 03, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm để sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả, tạo năng lực sản xuất mới.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không xảy ra tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung trong mọi tình huống, gây bất ổn thị trường; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.