Descon từng hưng thịnh ra sao trước khi 'đổ bể' dưới thời ông Trịnh Thanh Huy?
Từ vị thế lớn trong lĩnh vực thầu xây dựng...
Công ty Descon thành lập vào năm 1976, tiền thân là Phân viện Thiết kế miền Nam, thuộc Viện Thiết kế Bộ Công nghiệp nhẹ; đến năm 1989 mang tên Công ty Xây dựng Công nghiệp nhẹ số 2. Từ năm 2002, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp - Descon.
Descon được biết đến là nhà thầu chuyên nghiệp, hoạt động trên lĩnh vực xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng, hệ thống cơ - điện - lạnh... Sau thời gian khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực thầu xây dựng, Descon chuyển dần sang đầu tư địa ốc.
Luôn nỗ lực hướng đến mục tiêu đầu tư xây dựng công trình bền vững, có chất lượng và giá cả phù hợp với ngân sách nhà đầu tư, Descon đã được 2 tổ chức quốc tế QMS và JAS-ANZ đánh giá cao và cấp chứng chỉ ISO 9001:1994 năm 2000 và ISO 9001:2000 năm 2004.
Tính đến ngày 31/12/2017, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng, có 2 cổ đông lớn, ông Trịnh Thanh Huy nắm 56,2% vốn cổ phần và Công ty TNHH Mascon nắm 13,8% cổ phần Descon.
Ông Trịnh Thanh Huy, một doanh nhân thành công trong ngành mì gói ở Đông Âu sáng lập và lãnh đạo Bình Thiên An - tổ chức đã vào và nắm quyền kiểm soát tại Descon năm 2010.
Ông Huy từng là Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) từ năm 1997 – 2002, cựu Tổng giám đốc của CTCP Bất động sản Bình Thiên An, Phó Chủ tịch kiêm thành viên Hội đồng sáng lập của CTCP Thương mại Đầu tư HB và là thành viên HĐQT của CTCP Beton 6 (Mã: BT6).
Trong 5 năm từ 2013 – 2017, Descon hoạt động luôn có lãi, ROA bình quân từ 2,04% - 2,76%; ROE bình quân 1,8% - 5%. Kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán TTP – CN TP HCM trong báo cáo tài chính năm 2017 không đưa ra bất kỳ ý kiến ngoại trừ hay nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Descon.
Cấu trúc tài sản và nguồn vốn của Descon cho thấy, đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Descon đạt hơn 2.862 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu gần 490 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đã tăng mạnh 77,8%, từ 509 tỷ đồng lên gần 905 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tăng vay dài hạn; gấp 1,85 lần vốn chủ sở hữu.
Hầu hết các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của Descon cuối năm 2017 đều tăng so với năm 2016. Tuy nhiên sau đó đã xuất hiện những rủi ro.
Báo cáo của ban kiểm soát Descon cho biết, khả năng thanh toán của Descon tăng nhờ công ty đã chủ động hơn về nguồn tiền – nguồn tiền tăng thêm được tài trợ từ nguồn vay.
... đến "cú lao dốc" phá sản
Theo báo cáo, Descon vay nợ tăng thêm gần 400 tỷ trong năm 2017, ở chiều ngược lại, Descon lại tăng cho vay nợ và chiếm dụng khoảng 250 tỷ đồng kỳ hạn ngắn và gần 170 tỷ đồng ở kỳ hạn dài, trong đó có hơn 167 tỷ đồng là đem hợp tác đầu tư.
Thời điểm này, riêng 3 "người nhà" là Công ty TNHH Pumyang – Descon, CTCP Beton 6 và ông Trịnh Thanh Huy nắm giữ của Descon 1.013 tỷ đồng (đã bao gồm 32,4 tỷ đồng cho Trịnh Thanh Huy mượn tiền). Ở chiều ngược lại, Descon đang vay của "người nhà" và các cá nhân hơn 340 tỷ đồng.
Vì vậy, với tổng tài sản 2.862 tỷ đồng, sau khi loại 1.013 tỷ đồng đang được "giữ" bởi Pumyang Descon và Beton 6, ông Trịnh Thanh Huy, Descon còn lại 1.850 tỷ đồng tài sản bao gồm 741 tỷ đồng hàng tồn kho để trả hơn 2.030 tỷ đồng các khoản bao gồm nợ vay và trái phiếu (đã loại vay người nhà và cá nhân).
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy đến cuối năm 2017, Descon đang có khoản phải trả SRF gần 68 tỷ đồng (cho cả CN Cơ điện Công trình và Công ty Cơ điện lạnh Đà Nẵng).
Năm 2011, cổ phiếu DCC của Descon bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin trong bối cảnh 1 năm thay 2 chủ tịch, dính "nghi án" cản trở cổ đông nhỏ lẻ tham dự đại hội, "cố tình" vi phạm quy định về công bố thông tin để được hủy niêm yết, rút khỏi thị trường để tái cấu trúc và "dễ bề thao túng".
Descon báo lỗ đậm sau 2 năm không lộ diện tài chính. (Ảnh minh họa)
Ngày 6/7/2018, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 đã thông qua tờ trình niêm yết cổ phiếu Descon trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, nơi mà cổ phiếu Descon từng bị hủy niêm yết bắt buộc.
Lý do niêm yết trở lại cổ phiếu Descon được Hội đồng quản trị của công ty giải thích nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao quản trị và điều hành, xây dựng và hoàn thiện tính minh bạch trong sản xuất kinh doanh, tạo dựng kênh huy động vốn dài hạn qua thị trường chứng khoán.
Năm 2018, Descon bất ngờ báo lỗ lên đến 388 tỷ đồng. Cũng trong năm này, TAND TP HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.
Năm 2019, Descon tiếp tục thua lỗ ròng 52 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Descon giảm về mức 1.639 tỷ đồng, nợ phải trả xấp xỉ 1.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay Descon hiện vào mức 709 tỷ đồng – gấp hơn 10 lần vốn chủ. Công ty lỗ luỹ kế 380,5 tỷ đồng.
Thời điểm này, việc Descon có nguy cơ phá sản còn gây bất ngờ bởi hoạt động của công ty các năm vừa qua không đến nỗi nào, riêng năm 2017 đạt lợi nhuận gộp hơn 111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,6 tỷ đồng (vượt 600 triệu so với kế hoạch).
Thậm chí tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 7/2018, công ty này vẫn còn những kế hoạch tham vọng như phát hành 12,46 triệu cổ phiếu thưởng, chào bán 48 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đồng thời niêm yết cổ phiếu trở lại trên HoSE sau khi bị hủy niêm yết hồi năm 2011.
Tham vọng trở lại sàn chứng khoán sau thời gian "đổ bể"
Mới đây, vào ngày 8/10/2020, Descon công bố danh sách HĐQT và Ban kiểm soát sau buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Cụ thể, ông Châu Anh Tuấn tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Descon. Cùng với đó, ông Châu Quang Minh, tân Tổng giám đốc vừa nhậm chức từ ngày 30/7 của công ty sẽ giữ một vị trí trong HĐQT.
Bên cạnh những gương mặt cũ trong ban lãnh đạo, HĐQT Descon xuất hiện 3 thành viên mới. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền hiện đồng thời là thành viên HĐQT của Công ty Liên doanh Thủy sản Việt Nga; ông Trần Thanh Hải là Giám đốc Công ty Luật TNHH RHTLaw Việt Nam và ông Trịnh Thanh Huy đang là thành viên HĐQT của CTCP Beton 6 (Mã: BT6).
Ông Trịnh Thanh Huy không còn là cái tên xa lạ với nhà đầu tư và giới kinh doanh.
Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Tổng giám đốc, thành viên HĐQT của Descon chia sẻ tại cuộc họp, với vai trò nguyên Tổng giám đốc cũng như cổ đông hiện tại của của công ty, ông rất thất vọng về hoạt động của Descon kể từ khi nhóm cổ đông của ông Trịnh Thanh Huy nắm quyền kiểm soát (10 năm kể từ năm 2010).
Descon đã đi xuống và khiến cổ đông không được chia cổ tức từ lợi nhuận, đồng thời viễn cảnh kinh doanh của công ty kém khả quan nên giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.
Cũng theo ông Hoàng, thời điểm lúc bấy giờ, quá trình điều hành đó không kiểm soát tốt chi phí hay thu hồi công nợ kém cũng là những đểm rất đáng thất vọng, còn vốn điều lệ của công ty đã âm rất lớn (năm 2020 sẽ âm gần hết 356 tỷ đồng).
Ông Châu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Descon cho rằng để mổ xẻ hết vấn đề thì phải rất lâu và dài. Những cổ đông lớn là người thiệt hại nhiều nhất khi công ty xuống dốc và họ cũng đang cố vực dậy hoạt động kinh doanh.
Tại đại hội, bàn về kế hoạch kinh doanh thời gian tới, đại diện Descon cho biết sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và tiếp tục triển khai một số dự án bất động sản, từ đó đem về doanh thu và lợi nhuận cho công ty.
Đồng thời, sau khi làm việc với ngân hàng về hạn mức xong, Descon sẽ tiếp tục đi đấu thầu để phát triển lại mảng thầu xây dựng. Tuy nhiên, ông Châu Anh Tuấn cho biết, hành trình này chưa thể xong sớm và để có kết quả cần từ 1 – 1,5 năm.
Về lộ trình phát triển trong năm 2020, Descon đề ra kế hoạch tổng doanh thu giảm 72% còn 15 tỷ đồng và lỗ tiếp 60 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Descon cho biết, công ty dự kiến sẽ tăng vốn từ 356 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, ưu tiên cho nhà cung cấp đang là chủ nợ của công ty và các quỹ đầu tư. Theo đó, các khoản nợ có thể giải quyết được và cũng đảm bảo đủ vốn đối ứng để triển khai một số dự án.
Dù liên tục thua lỗ, tại Đại hội tới đây Công ty dự kiến trình phương án niêm yết cổ phiếu trở lại. Theo Descon, niêm yết sẽ hỗ trợ nâng cao tính thanh khoản, nâng cao năng lực điều hành và minh bạch trong sản xuất kinh doanh, tạo kênh huy động vốn dài hạn thông qua thị trường chứng khoán.
Do năm 2019 hoạt động kinh doanh bị đình trệ dẫn đến chưa thể thực hiện nên năm nay công ty lên kế hoạch sớm đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCOM trước, khi đủ điều kiện sẽ chính thức giao dịch trở lại HOSE.
Cũng tại Đại hội tới, Descon sẽ trình cổ đông thông qua miễn nhiệm toàn bộ các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát hiện tại và tiến thành bầu bổ sung nhân sự cho nhiệm kỳ 2017 - 2022.
An Vy