Gián đoạn chuỗi cung ứng đẩy hãng mỹ phẩm 90 năm tuổi Revlon đến ngày phá sản
Theo hồ sơ nộp lên Tòa án Phá sản Hoa Kỳ, Revlon đã liệt kê tài sản và nợ phải trả từ 1 tỷ USD đến 10 tỷ USD.
Công ty có trụ sở tại New York cho biết họ dự kiến sẽ nhận được khoản tài trợ 575 triệu USD từ những người cho vay hiện tại, điều này sẽ cho phép công ty duy trì hoạt động hàng ngày.
Cổ phiếu của Revlon giảm tới 44% hôm 16/6 sau khi xuất hiện thông tin công ty nộp đơn xin phá sản. Chỉ trong vòng khoảng 1 tuần từ ngày 9/6 đến 15/6, cổ phiếu Revlon đã mất khoảng một nửa giá trị.
Nhà sản xuất mỹ phẩm nói rằng động thái xin bảo hộ phá sản sẽ cho phép Revlon "tổ chức lại một cách có chiến lược" tình hình tài chính của mình. Việc các nhà cung cấp bắt đầu yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt đã khiến công ty gặp ngày càng nhiều khó khăn.
Revlon, được thành lập vào năm 1932 bởi anh em Charles, Joseph Revson và Charles Lachman, bắt đầu tiến vào thị trường với sản phẩm sơn móng tay. Năm 1985, Revlon được bán cho MacAndrews & Forbes - công ty vẫn là cổ đông kiểm soát và thuộc sở hữu của Ron Perelman. Revlon chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán năm 1996.
Với các thương hiệu như Almay, Elizabeth Arden, Revlon đã trở thành nhãn hàng phổ biến trên các kệ mỹ phẩm trong nhiều thập kỷ. Nhưng trong những năm gần đây, hãng không chỉ phải vật lộn với nợ nần chồng chất mà còn đối mặt sự cạnh tranh gay gắt hơn, trong khi đó, thương hiệu mỹ phẩm này không bắt kịp với sự thay đổi của thị hiếu làm đẹp.
Công ty đã chậm trong việc thích ứng với xu hướng mỹ phẩm chuyển từ màu sáng, rực rỡ sang các tông màu trầm hơn bắt đầu từ năm 1990. Revlon cũng đã phải đối mặt sự cạnh tranh ngày càng tăng không chỉ từ những thương hiệu như Procter & Gamber, hay các hãng được hậu thuẫn bởi những người nổi tiếng như Kylie Cosmetics của Kylie Jenner và Fenty Beauty của Rihanna, các nhãn hàng đầy lợi thế trong marketing vì lượng theo dõi khủng của những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Các vấn đề của Revlon ngày càng tăng ghi đại dịch xảy ra. Doanh thu từ son môi bị ảnh hưởng đáng kể khi người dân đeo khẩu trang. Revlon ghi nhận doanh số bán hàng giảm 21% xuống 1,9 tỷ USD vào năm 2020 nhưng tăng trở lại 9,2% lên 2,08 tỷ USD vào năm 2021 khi người mua sắm quay lại với các thói quen làm đẹp trước đại dịch.
Trong quý I/2022, doanh số bán hàng của công ty đã tăng gần 8%. Công ty đã tránh phá sản vào cuối năm 2020 bằng cách thuyết phục đủ trái chủ gia hạn nợ đáo hạn.
Trong những tháng gần đây, giống như nhiều công ty khác, Revlon đã trải qua những thách thức về chuỗi cung ứng trong toàn ngành và gánh chịu chi phí cao hơn. Hồi tháng 3, công ty mỹ phẩm cho biết các vấn đề vận tải, hậu cần làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng của hãng cho khách hàng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Revlon cũng bị cản trở bởi giá nguyên liệu chính tăng và tình trạng thiếu lao động dai dẳng.
Đây là thời kỳ cực khó khăn với Revlon so với thời kỳ hoàng kim hãng trong suốt phần lớn thế kỷ 20 với vị thế công ty mỹ phẩm lớn thứ hai về doanh số bán hàng, chỉ sau Avon. Bây giờ, Revlon tụt xuống hạng thứ 22 trên bảng xếp hạng này, theo một xếp hạng gần đây của tạp chí thương mại thời trang WWD.
Trong thời kỳ hoàng kim, công ty đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng. Năm 1970, Revlon trở thành công ty làm đẹp đầu tiên có người mẫu da đen (Naomi Sims) trong quảng cáo của mình. Vào những năm 1980, công ty đã gây tiếng vang lớn với chiến dịch siêu mẫu do Richard Avedon thực hiện, với dàn người mẫu mới đa dạng, nổi tiếng bao gồm Iman, Claudia Schiffer, Cindy Crawford và Christy Turlington; cùng với khẩu hiệu rằng mỹ phẩm của hãng giúp phụ nữ “không bao giờ bị lãng quên”.
Mùa thu năm ngoái, Giám đốc điều hành Revlon, bà Debra Perelman nói rằng bà rất lạc quan với tình hình kinh doanh của công ty. Khi phụ nữ đã ra ngoài trở lại, doanh số bán hàng trang điểm của Revlon tăng trở lại. Trong giai đoạn khủng hoảng đại dịch, Revlon cũng tận dụng kinh doanh trực tuyến, tham vấn ảo 1-1 cho khách hàng. Perelman cũng cho biết công ty đang học hỏi từ những người nổi tiếng như Kylie để năng động hơn, thích ứng hơn với sự thay đổi của xu hướng làm đẹp.