Dệt may, da giày: Khó khăn tiếp tục bủa vây khi đơn hàng sụt giảm
Với các doanh nghiệp, áp lực cạnh tranh, biến động của thị trường… luôn là câu hỏi thường trực. Song đứng trước những biến động bất thường nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó và xem đây như một cơ hội với tinh thần trong "nguy" có "cơ."
Đặc biệt, từ bài học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp dệt may, da giày lớn, để vươn lên top 3 thế giới khi áp lực cạnh tranh cực kỳ gay gắt, thậm chí những giai đoạn khó khăn nhất, nhiều đơn vị vẫn tìm ra được các hướng đi phù hợp để giữ vững thương hiệu và giữ vững thị trường.
Thay đổi để thích ứng
Trong quý 1/2023, trước tín hiệu xấu của thị trường, đơn hàng của May 10 cũng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này thì nhờ những giải pháp chủ động từ sớm nên mức độ sụt giảm đơn hàng của May 10 thấp hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành.
Vượt qua hơn 2 năm đại dịch COVID-19, May 10 đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để thích ứng với thị trường và khách hàng, cũng như xây dựng giải pháp khắc phục sự gián đoạn của chuỗi cung ứng về nguyên phụ liệu.
Còn với bối cảnh hiện nay, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, giảm chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, để đứng vững, May 10 lại tập trung mạnh hơn cho công tác thương hiệu, trong đó tập trung vào việc định vị về sản phẩm, định vị về thị trường và định vị về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất để phù hợp trong việc giao nhận sản phẩm.
Ông Việt cho rằng, Việt Nam đã cam kết tại COP26 về giảm phát thải CO2 trong khi May 10 là đơn vị sản xuất cũng sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và sử dụng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu hóa thạch (vải xơ sợi tổng hợp từ hóa dầu mà ra hay than đốt cũng là hóa thạch), do đó nếu doanh nghiệp không có những bước hành động mạnh thì rất dễ bị lỗi thời, hoặc khách hàng sẽ không đặt hàng khi không đảm bảo các tiêu chí về sản xuất xanh.
Dẫn chứng thêm, ông Việt cho hay, trong năm 2022 đã có hơn 100 cuộc đánh giá của khách hàng đối với nhà máy và lao động của May 10, vì vậy nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn của khách hàng đưa ra thì chắc chắn không có đơn hàng xuất khẩu.
“May 10 xác định sẽ là một nhà sản xuất xanh, dùng năng lượng và nhiên liệu xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xanh, như sản phẩm từ hữu cơ hay sợi tái chế, đặc biệt là sử dụng Nhà máy xanh cho người lao động từ môi trường làm việc. Tiếp đến là việc sử dụng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng tự nhiên, chuyển dần các lò đốt than sang những lò đốt nguyên sinh khối, tiến tới đốt bằng điện và gas,” ông Việt nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt May Huế, trong hành trình gây dựng niềm tin và xây dựng thương hiệu, Công ty đã có được những bài học thực tiễn, đó là việc hoạch định chiến lược dựa trên nhu cầu, mong đợi của khách hàng và xu hướng của thị trường.
Đồng thời, chú trọng chăm sóc khách hàng và phát triển thị trường cũng như chuyên môn hóa mặt hàng và tăng tỷ trọng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) ngành May. Cùng với đó là thay đổi mô hình tổ chức sản xuất; hoạt động đầu tư; quản trị chi phí và nâng cao chất lượng công tác quản trị tài chính, kế toán.
“Đây cũng chính là cẩm nang để đưa Công ty trở thành đối tác chiến lược của các thương hiệu thời trang lớn, là sự lựa chọn đầu tiên của khách hàng,” ông cho hay.
Tạo đột phá từ cách mạng công nghệ
Có thể thấy, với dệt may và da giày, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp có thể tạo đột phá trong việc nâng cao năng suất lao động.
Hiện nay, May 10 đã có thể may các sản phẩm trên phần mềm, duyệt độ vừa phải của sản phẩm trên phần mềm và trình diễn thời trang trên phần mềm trong khi những công đoạn này trước đây chỉ làm bằng tay và đến khi gần như chính xác hoàn toàn trên phần mềm, đơn vị mới đưa ra sản phẩm chế thử thành sản phẩm thật, từ đó rút ngắn được rất nhiều công đoạn, thời gian và chi phí nguyên vật liệt phát triển sản phẩm.
“Đây là chiến lược của May 10 nhằm tái định vị lại trong công tác quản trị đó là chuyển đổi số đối với công tác thiết kế. Ngoài ra, các công tác khác như kế toán, tài chính, nhân sự, sản xuất, May 10 cũng sử dụng phần mềm để nằm trong chiến lược chuyển đổi số của mình,” ông Việt chia sẻ kinh nghiệm.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số bùng nổ, ngành thời trang thế giới đã có những bước tiến mới trong việc xây dựng không gian thực tế ảo, nhiều nhãn hàng trên thế giới như: Tommy Hilfiger, Obsess, Diesel… đã triển khai các ứng dụng VR, AR của riêng mình nhằm tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, trải nghiệm mua sắm thú vị hơn khi người tiêu dùng có thể thử mẫu trực tuyến phù hợp với số đo của mỗi người.
Để tận dụng thời cơ và đón đầu xu hướng công nghệ, lãnh đạo Tổng Công ty May Đức Giang (Dugarco) đã cùng đội ngũ nhân sự lên ý tưởng để cho ra đời DugarcoVR, không gian thực tế ảo đầu tiên của Việt Nam, phục vụ quá trình tiếp cận nhanh với khách hàng.
Đây cũng chính là nền tảng để Dugarco nhân rộng và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mẫu (ODM), do đó thời gian chốt đơn hàng nhanh hơn, cũng như các bộ phận merchandise, thiết kế, sourcing… có thể trao đổi trực tiếp với đối tác về các mẫu sản phẩm thay vì hình thức email truyền thống.
Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng Giám đốc Dugarco cho biết với các đối tác, khách hàng của Tổng Công ty hiện nay, rõ ràng họ có kinh nghiệm, công nghệ và kênh thông tin hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng khi tiếp xúc với DugarcoVR đều đánh giá rằng ứng dụng này là một sản phẩm cho tương lai.
- Một số định hướng của ngành da giày đến năm 2030:
Còn trong lĩnh vực da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cũng nhấn mạnh, áp dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.
“Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay vẫn còn yếu và thiếu, do đó vấn đề về hỗ trợ cung cấp thông tin và quảng bá hình ảnh của ngành và thu hút các thương hiệu, nhãn hàng quốc tế lớn tiếp tục gia công sản xuất tại Việt Nam là rất quan trọng,” bà Xuân đề xuất thêm.