ĐHĐCĐ BAF: Chốt kế hoạch doanh thu vượt 7.500 tỷ, phát hành 7,17 triệu cổ phiếu ESOP

Trang Mai 18:00 | 11/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ đã công bố, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) tự tin đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho năm nay. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu doanh thu hơn 7.500 tỷ có thể thực hiện được khi diễn biến giá heo hơi đang phục hồi và có khả năng bù đắp cho tổn thất trong quý I.

Kế hoạch kinh doanh 2023 tăng trưởng với từng mảng

Tại Đại hội đồng cổ đông mới diễn ra, các cổ đông BAF đã thông qua kế hoạch doanh thu 7.520 tỷ đồng cho năm 2023, tăng 6% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hướng tới mức hơn 301 tỷ đồng, tăng 4,6%. 

 

Đại diện BAF cho rằng vẫn có sự tự tin nhất định với kế hoạch năm nay, khi diễn biến giá heo hơi đang phục hồi và có khả năng bù đắp cho tổn thất gây ra trong quý I.

Doanh nghiệp cho biết, ngoài kênh phân phối chính tại các cửa hàng SibaFood và BAF Meat Shop, BAF sẽ tăng cường bản lẻ thịt mảnh thông qua kênh thương lái để gia tăng năng suất, tối ưu hóa sản lượng nhằm tối đa hoá lợi nhuận. 

Trong tài liệu, BAF cũng đưa ra chi tiết doanh thu, lợi nhuận theo từng mảng hoạt động cho năm nay. 

Với mảng chăn nuôi, BAF dự kiến tổng sản lượng heo bán ra thị trường trong năm là gần 349.000 con, với heo giống 61.470 con, heo thịt 247.500 con, heo cai sữa 39.800 con. Mức doanh thu dự kiến hơn 2.500 tỷ đồng, thu lãi sau thuế 192 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Về mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy cám BAF Tây Ninh và nhà máy có tổng công suất 400.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động trong năm 2022, kết hợp với nhà máy cám Phú Mỹ (60.000 tấn/năm) sẽ cung ứng đủ lượng cám chăn nuôi cho các trang trại nội bộ của doanh nghiệp. Đồng thời, mảng này sẽ có doanh thu thương mại về cám dinh dưỡng khi bán kèm con giống. Doanh thu dự kiến 999,9 tỷ đồng; lãi sau thuế ước 45,4 tỷ đồng, chiếm 15% lợi nhuận sau thuế của Công ty.

Với mảng kinh doanh nông sản, doanh thu ước tính 4.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 64 tỷ đồng, chiếm 21% lợi nhuận của toàn công ty.

Năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh 3F (Feed-Farm-Food), trong đó xác định Food là nhân tố chủ lực giúp thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ về doanh thu mà còn về biên lợi nhuận trong chuỗi.

Phát hành thêm gần 100 triệu cổ phiếu

Một kế hoạch quan trọng khác được đại hội thông qua là phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất của Công ty. BAF dự kiến chào bán hơn 68,4 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cp, dành cho đối tượng là toàn bộ cổ đông hiện hữu, là các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong danh sách thực hiện quyền mua của Công ty.

Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV/2023, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết. Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng dù có giá chào bán chỉ bằng nửa thị giá (khoảng 21.500 đồng/cp tại phiên ngày 10/5). 

Nếu phát hành thành công, số tiền gần 684,3 tỷ đồng dự kiến thu về sẽ được BAF sử dụng theo nhiều phương án, gồm: bổ sung vốn hoạt động chăn nuôi heo (165 tỷ đồng); bổ sung vốn hoạt động kinh doanh nông sản (400 tỷ đồng); tăng vốn điều lệ tại các công ty con (119 tỷ đồng). Các phương án dự kiến thực hiện từ quý IV/2023 đến quý I/2024.

Bên cạnh đó, HĐQT BAF trình và được thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Theo đó, BAF dự kiến phát hành hơn gần 24,4 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ thực hiện quyền bằng lượng cổ phiếu dự kiến trên tổng cổ phiếu lưu hành ước tính là 17%, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 17 cổ phiếu mới.

Số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng, dự kiến thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 (ngày 10/5/2023).

Đại hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP), dự kiến hơn 7,17 triệu cổ phiếu, được chào bán trực tiếp cho cán bộ nhân viên có tên trong danh sách với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Mục đích phát hành nhằm khích lệ đóng góp của cán bộ nhân viên, và tăng vốn điều lệ phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.

Với số tiền thu về (ước tính hơn 71,7 tỷ đồng) sẽ được sử dụng bổ sung vốn cho hoạt động chăn nuôi heo của công ty, gồm: chi phí nguyên vật liệu (cám, phụ gia), chi phí heo giống và các chi phí khác.

Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV/2023.

Như vậy, nếu như hoàn tất thực hiện cả 3 phương án, BAF sẽ phát hành thêm tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ lên 2.430 tỷ đồng.

Về hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, HĐQT cho biết đã hoàn tất việc phát hành trái phiếu đợt 1 ngày 23/8/2022, huy động 300 tỷ đồng và đã sử dụng toàn bộ số tiền thu được theo đúng phương án sử dụng được thông qua. Dự kiến trong quý II, HĐQT sẽ tiếp tục chào bán đợt 2, thu về dự kiến 300 tỷ đồng, đảm bảo kế hoạch được thông qua từ năm trước.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2023, BAF ghi nhận kết quả không mấy khả quan. Doanh thu trong kỳ ghi nhận gần 817,4 tỷ đồng, giảm 46%; lãi sau thuế chỉ 3,9 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với kế hoạch năm nay, BAF mới đạt 11% kế hoạch doanh thu và 1,3% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.

Theo giải trình, biến động lợi nhuận lớn như vậy do giá heo hơi liên tục duy trì ở mức thấp trong suốt quý I. Mức giá sụt giảm này là hiệu ứng ngắn hạn do thông tin về dịch bệnh trên thị trường, làm người tiêu dùng lo lắng theo nên thắt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên công ty cho biết đã tối ưu hiệu suất chăn nuôi, kiểm soát chi phí, qua đó gia tăng hiệu quả hoạt động và duy trì giá vốn ở mức thấp so với chuẩn ngành, đồng thời giữ đàn heo tránh xa dịch bệnh, chờ đợi chu kỳ tăng giá. Hiện tại, giá heo đang trên đà phục hồi, cho thấy tác động tiêu cực trong ngắn hạn đã qua.