Sau quý I lãi đột biến nhờ thanh lý đất, BAF đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm gấp 10 lần 2023
Khoản lợi nhuận thanh lý BĐS lên tới 80 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, BAF ghi nhận doanh thu thuần 1.292 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 119 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với quý I/2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của BAF trong 6 quý trở lại đây.
Giải trình về kết quả này, bà Bùi Hương Giang, Tổng Giám đốc thông tin: "Thị trường giá heo trong quý I đã có những sự hồi phục nhất định sau đợt giảm đáy vào quý IV/2023. Hiện tại giá heo vẫn đang trên đà hồi phục và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 60.000 đ/kg.
Sản lượng heo của BAF trong Quý I đạt hơn 100.000 con. Trong đó riêng tháng 3 đạt hơn 54.000 con đánh dấu tháng có sản lượng cao nhất lịch sử công ty. Giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi".
Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đến từ việc thanh lý tài sản. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 tổ chức sáng 26/4, Chủ tịch HĐQT Trương Sỹ Bá cho biết, BAF có mảnh đất ở Mai Chí Thọ, diện tích gần 1.600 m2, nhằm mục đích xây dựng toà văn phòng kết hợp sử dụng và cho thuê.
“Nhưng sau khi lên đề án thiết kế, tính cả lãi suất ngân hàng, nhận ra chi phí rất cao và không hiệu quả. Trong khi đó, việc đi thuê cho chi phí tài chính tốt hơn. Mặt khác, công ty cần huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nên chúng tôi quyết định thanh lý khu đất này. Tiết lộ là lô này mang lại nguồn lợi khá lớn cho Công ty, lên khoảng 80 tỷ đồng lợi nhuận” – trích lời ông Bá.
Cũng theo báo cáo tài chính quý I/2024, tình hình tài chính của BAF không có quá nhiều biến động so với số cuối năm 2023. Tổng tài sản tại ngày 31/3/2024 ghi nhận 6.761 tỷ đồng, tăng 3%. Tiền mặt và tiền gửi đạt 391 tỷ đồng, giảm 7%. Hàng tồn kho ghi nhận 1.882 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu kỳ, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và thành phẩm.
Về nguồn vốn, tính đến cuối quý I, nợ phải trả của BAF đạt 4.733 tỷ đồng, tăng 2%. Trong đó, vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn hơn 2022 tỷ, tăng hơn 160 tỷ từ đầu năm.
Mục tiêu lợi nhuận năm nay gấp 10 lần 2023
Về mục tiêu kinh doanh năm nay, ĐHĐCĐ 2024 của BAF thông qua kế hoạch kinh doanh khá tự tin với doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 6%; lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, cũng là mức cao thứ 2 kể từ khi BAF thành lập năm 2017. Như vậy sau quý I, doanh nghiệp chăn nuôi này đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và gần 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh, HĐQT BAF sẽ triển khai phương án chia cổ tức tỷ lệ 17% bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5% và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:47 (tương đương cổ đông sở hữu 100 cp được mua 47 cp mới), với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Ước tính, vốn điều lệ dự kiến nâng lên 2.435 tỷ đồng.
Khởi công thêm 6 trang trại chăn nuôi mới trong năm 2024
Một trong những vấn đề khác được nhiều cổ đông quan tâm là mảng phát triển trang trại. Theo tài liệu, năm 2024, BAF dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại, gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn), và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1).
Trước đó, cụm trại Hải Đăng, trại Tân Châu và Tâm Hưng đã đi vào vận hành trong tháng 3 vừa qua.
Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt.
Tại đại hội, ông Trương Sỹ Bá cũng chia sẻ câu chuyện vì sao 70% trang trại tập trung ở miền Nam và Tây Nguyên, còn lại ở miền Bắc.
“Lý do đơn giản vì điều kiện chăn nuôi và đất đai. Khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đủ đất để xây trại lớn. Ở miền Bắc thì hẹp và nhỏ, chỉ xây được trại nhỏ hơn. Bên cạnh đó, miền Nam tuy nóng nhưng quanh năm ổn định. Chuồng của BAF cũng là chuồng kín, điều tiết nhiệt độ ở 23-26 độ C. Ngược lại, miền Bắc có nhược điểm là mùa đông rất lạnh, gió mùa về có khi giảm xuống tới dưới 10 độ C, mà quạt trong chuồng không thể điều tiết nhiệt độ thấp được”.
Về câu chuyện quy mô trang trại, ông Sỹ Bá cho biết định hướng của BAF là xây dựng các trại lớn.“Trước đây, quan niệm là càng lớn thì càng rủi ro. Nhưng thực ra, bài toán lớn, quy tụ ở mảnh đất lớn, bên cạnh trang trại còn vùng đệm lớn là để bảo toàn an toàn sinh học. Ví dụ đàn 5000 nái, mỗi con để 30 con/năm, tức mỗi năm ra được 150,000 con. Nếu xây riêng các trại khác nhau, quá trình dịch chuyển cũng có thể gây không an toàn. Với trại lớn, có thể khép kín, là điều kiện cần để đảm bảo an toàn sinh học.
Tuy vậy, các trại như thế là khá hiếm khu vực đảm bảo được điều kiện, nên cũng phải chấp nhận các trại nhỏ hơn”, ông Bá nói.