ĐHĐCĐ VPBank: Kế hoạch lợi nhuận vượt 25.000 tỷ, tăng gấp đôi tệp khách hàng FDI, đưa GPBank có lãi sau 20 năm thua lỗ

Thùy Dung 14:35 | 28/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiều 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, thảo luận nhiều nội dung như kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, mở rộng hệ sinh thái đa tầng, chia cổ tức tỷ lệ 5%...

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VPBank diễn ra chiều 28/4. Ảnh: T.D

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế vượt 25.000 tỷ, đưa GPBank có lãi sau 20 năm thua lỗ

Phát biểu tại Đại hội, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định năm 2025 là một năm mà kinh tế thế giới vừa trải qua những thách thức, vừa đứng trước cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đối mặt với một số thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ và rủi ro từ xung đột địa chính trị toàn cầu nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tích cực trong năm 2025, trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế khu vực. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 mức 8%, CPI được kiểm soát ở mức dưới 4%.

Đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ, ngành ngân hàng đặt nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng ở mức 16%. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị trường. Đồng thời, duy trì môi trường lãi suất ổn định, hỗ trợ các ngân hàng tối ưu chi phí vốn, tạo cơ hội thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế. 

Với VPBank, mặc dù nhận định môi trường kinh doanh nhiều thách thức từ nhu cầu thị trường, khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phục hồi hay chính sách thuế quan của Mỹ, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn kiên định chủ trương thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã được HĐQT thông qua, đồng thời xây dựng những giải pháp cần thiết để ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường.

Năm nay, ban lãnh đạo VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.126 tỷ đồng (tăng 120%), của Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và của Bảo hiểm OPES là 636 tỷ đồng (tăng 34%).

Tổng tài sản hợp nhất VPBank dự kiến tăng 23% lên 1.132.800 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá hợp nhất dự kiến tiến thêm 34%, lên 742.311 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất dự kiến đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 887.724 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của NHNN. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%. 

Nói thêm về vấn đề quản trị rủi ro nợ xấu, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh ban lãnh đạo VPBank đặc biệt thận trọng với chất lượng tài sản. "Ban lãnh đạo đã dự phòng ngân sách xử lý nợ xấu lên tới 17.000 tỷ đồng, cao hơn năm trước. Một trong những biện pháp quan trọng mà chúng tôi dự kiến triển khai là tăng cường thu hồi nợ đã xử lý ngoại bảng; mục tiêu thu hồi hơn 3.600 tỷ đồng, góp phần bổ sung vào kế hoạch tổng lợi nhuận 25.500 tỷ đồng.

Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đạt lợi nhuận hơn 22.000 tỷ đồng. Các công ty thành viên như Công ty Chứng khoán VPBankS, Công ty Bảo hiểm OPES cũng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận từ 40-80%".

 

Đặc biệt, ban lãnh đạo VPBank đặt mục tiêu GPBank - ngân hàng vừa nhận chuyển giao bắt buộc đầu năm 2025 - sẽ lần đầu tiên có lãi ngay trong năm nay sau 20 năm liên tục thua lỗ. 

 

"Trước khi chuyển giao bắt buộc, trung bình mỗi năm GPBank lỗ 1.000 tỷ. Năm nay, chúng tôi dự kiến GPBank đạt lợi nhuận tối thiểu 500 tỷ. Cổ đông yên tâm là ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ tái cơ cấu thành công", Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Trí Dũng thông tin trước cổ đông.

Cũng liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn tiềm năng, ban lãnh đạo VPBank xác định nhóm khách hàng FDI là phân khúc hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng mới. Theo đó, VPBank sẽ tiếp tục tìm kiếm, khai thác cơ hội trong phân khúc FDI, hướng tới phục vụ 1.000 khách hàng trong năm 2025, với trọng tâm là tăng trưởng huy động và dịch vụ phí tín dụng.

Năm 2024, với sự đồng hành cùng đối tác chiến lược Ngân hàng SMBC, VPBank đã thu hút hơn 500 khách hàng doanh nghiệp FDI từ các tập đoàn đa quốc gia lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Dư nợ của phân khúc này tại thời điểm cuối năm 2024 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2023.

Một nội dung quan trọng khác được HĐQT VPBank trình cổ đông thông qua là kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, nguồn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ đến ngày 31/12/2024. Tổng số tiền chi trả cổ tức dự kiến khoảng 3.967 tỷ đồng. Thời gian chi trả dự kiến trong quý II hoặc quý III/2025.

Thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, mua 1 công ty quản lý quỹ

Kể từ năm 2020, hệ sinh thái của VPBank đã mở rộng thêm các mảng hoạt động đa dạng và toàn diện dưới mô hình các công ty con như Công ty chứng khoán VPBank, công ty bảo hiểm OPES và gần đây là ngân hàng GPBank thông qua phương án chuyển giao bắt buộc.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT VPBank trình cổ đông phương án góp vốn để thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ. HĐQT sẽ quyết định mức cụ thể theo thỏa thuận với các bên/các nhà đầu tư liên quan.

Công ty con sẽ triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết chung và các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định pháp luật và được Bộ Tài chính chấp thuận. Tỷ lệ tham gia cụ thể của VPBank tùy thuộc vào việc thỏa thuận với các bên liên quan và/hoặc đối tác hợp tác và các quy định có liên quan trên cơ sở phù hợp các quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, trình cổ đông phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank. Giá mua giá trị giao dịch theo cơ chế thỏa thuận với các bên liên quan, hiện trạng doanh nghiệp mục tiêu, điều kiện thị trường và các yêu cầu pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, VPBank dự kiến tiếp tục tìm kiếm, triển khai các cơ hội, phương án liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư góp vốn, mua cổ phần, cơ cấu lại tái cấu trúc các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác... trong các lĩnh vực mà ngân hàng được phép tham gia đầu tư góp vốn, mua cổ phần hoặc lĩnh vực khác theo quy định pháp luật, trên cơ sở phù hợp với nhu cầu phát triển kinh doanh và hệ sinh thái ngân hàng.

Một nội dung quan trọng khác trong chương trình đại hội là bầu cử HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2025–2030. Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ bầu 8 thành viên HĐQT, trong đó ít nhất 2 thành viên độc lập. Đối với Ban Kiểm soát, ngân hàng dự kiến bầu 5 thành viên, trong đó một người giữ chức Trưởng ban.

Theo báo cáo quản trị năm 2024, HĐQT của VPBank hiện có 7 thành viên, đứng đầu là ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT. Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên, do bà Kim Ly Huyền đảm nhiệm vai trò Trưởng ban.