Dịch bệnh phức tạp khiến doanh số xe Việt Nam ảm đạm nhất trong nhiều năm trở lại đây
Cụ thể, trước diễn biến xấu từ dịch bệnh trùng với thời gian tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn) đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý đến người mua. Từ đó kéo theo lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây, doanh số bán xe cũng đã giảm doanh tháng thứ 5 liên tục.
Báo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 8/2021, toàn thị trường có 8.884 xe được bán ra, giảm 45% so với tháng 7/2021 và giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này có 6.231 xe du lịch, giảm 40%; 2.344 xe thương mại, giảm 55% và 309 xe chuyên dụng, giảm 33% so với tháng trước.
Sản lượng xe lắp ráp trong nước trong tháng 8 là 5.345 xe, xe nhập khẩu đạt 3.539, cùng giảm mạnh 41% so với tháng trước đó.Đặc biệt, VAMA thông tin thêm rằng con số trên cho thấy doanh số ghi nhận kỷ lục thấp nhấp trong lịch sử của thị trường ôtô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay. Tiếp theo là tháng 2 năm 2016 (tháng Tết Nguyên Đán) với doanh số 11.718 xe và so với mốc kỷ lục thấp này thì doanh số tháng 8/2021 còn thấp hơn tới 3.000 xe.
Tổng cộng trong 8 tháng đầu năm 2021, các đơn vị thành viên VAMA đã bán được 175.400 xe các loại, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng, nếu đem so sánh với thời điểm trước khi Việt Nam có dịch COVID-19, toàn thị trường có doanh số giảm tới 13%, trong đó doanh số bán xe lắp ráp trong nước giảm 17% và xe nhập khẩu giảm 8%.
Tất nhiên, các con số trên vẫn chưa phản ánh hết được toàn bộ diễn biến thị trường bởi các thương hiệu Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… không tiết lộ doanh số bán hàng.
Nếu đem cộng dồn số liệu bán hàng của VAMA cũng như các thương hiệu như Hyundai (đạt 2.182 xe) do TC Motor lắp ráp, phân phối hay VinFast (đạt 2.310 xe)... Tổng doanh số bán ô tô của toàn thị trường đạt 13.376 xe các loại, giảm 10.472 xe, tương đương 45% so với tháng 7/2021.
Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân dịch bệnh và tháng 7 âm thì hiện tình trạng thiếu linh kiện, chip bán dẫn trên toàn cầu… cũng gây ra những đáng kể đến thị trường ô tô Việt Nam, nhiều hãng xe buộc phải đưa ra thông báo sẽ phải kéo dài thời gian giao xe chậm 1-2 tháng so với bình thường.
Đặc biệt, báo cáo của VAMA cũng chỉ ra, khoảng hơn 200 đại lý ôtô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động.
VAMA nhận định rằng thị trường đang bị đóng băng, chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh buồn khi mức sụt giảm doanh số trên 60%.
Dự báo trong những tháng sắp tới, thị trường ôtô Việt có thể sẽ phục hồi nhẹ do dịch COVID-19 đang được kiểm soát và các điểm bán có thể mở lại. Tuy nhiên, doanh số có thể không được như kỳ vọng bởi nhiều lý do.
VinFast vươn lên vị trí đầu bảng nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắn
Ảnh hưởng của dịch bệnh làm sức mua giảm nên bảng xếp hạng doanh số xe cũng có những biến đổi. Theo đó với lượng ô tô giao đến tay khách hàng trong tháng 8 đạt hơn 2.300 xe, VinFast đã vươn lên vị trí dẫn đầu, dù bản thân hãng cũng chứng kiến doanh số giảm 1.500 xe, tương đương 39% so với tháng trước đó.
VinFast đạt được kết quả trên là nhờ vào các chính sách ưu đãi, giảm giá mà hãng xe Việt áp dụng cho Fadil, Lux A2.0. Ngoài ra, các dòng ô tô VinFast được bán ưu đãi tại Hải Phòng - địa phương đến nay vẫn duy trì được sự ổn định, phòng chống dịch để phát triển kinh tế. Đó chính là những yếu tố quyết định giúp VinFast giữ mức doanh số trên 2.300 xe và vươn lên vị trí số 1 trên thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 8/2021.
Toyota là hãng xe đứng thứ 2 nhưng so với tháng 7 nhưng cũng chứng kiến cảnh "đìu hiu" khi doanh số bán của hãng xe Nhật chỉ đạt 2.257 xe, giảm 38%. Nhiều mẫu mã như Alphard, Avanza... cả tháng không bán được chiếc nào, trong khi đó những mẫu xe Toyota từ trước đến nay vẫn hút khách như như Innova, Corolla Altis... đạt doanh số chưa tới 20 xe.
Kế tiếp là Hyundai với doanh số sụt giảm tới 46% so với tháng trước, mẫu xe hơi cỡ nhỏ Grand i10 bước sang thế hệ mới nhưng doanh số chỉ dừng ở mức 394 xe. Lượng tiêu thụ Accent, Santa Fe cũng giảm còn 712 xe và 390 xe.
Các vị trí còn lại thuộc về Kia với 1.538 xe, Mazda 868 xe, Honda 567 xe… Nhiều hãng như Honda nỗ lực áp dụng ưu đãi, giảm giá nhiều mẫu xe như CR-V, HR-V, Civic... tuy nhiên doanh số bán trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận mức giảm.
Trong tháng 8, 10 mẫu xe bán chạy nhất thì chỉ có VinFast Fadil đưa được xe đến khách hàng đạt trên 1.000 chiếc, với 2.048 xe bán ra và tiếp tục dẫn đầu toàn thị trường. Các vị trí còn lại lần lượt thuộc về Toyota Vios (987 xe), Kia Seltos (832 xe), Toyota Corolla Cross (759 xe), Hyundai Accent (712 xe), Ford Ranger (396 xe), Hyundai Grand i10 (394 xe), Kia Cerato (393 xe), Hyundai SantaFe (390) và cuối cùng là Mazda CX-5 (332 xe).