Dịch chuyển trọng tâm logistics thế giới sang châu Á: Cơ hội cho DN Việt

22:08 | 16/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics đang có nhiều cơ hội lớn trong một sân chơi lớn. .
Dịch chuyển trọng tâm logistics thế giới sang châu Á: Cơ hội cho DN Việt - ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới công bố báo cáo Logistics Việt Nam năm 2017
Doanh nghiệp logistics Việt Nam ở đâu và cần làm gì trước sự chuyển dịch trọng tâm của logistics thế giới sang các thị trường đang phát triển ở châu Á là nội dung bàn thảo tại "Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017" (do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/12).

Cơ hội lớn để "bùng nổ"

Theo số liệu thống kê của VLA, hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó, khoảng 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam chia thành 3 nhóm: các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia đã có tên tuổi; các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc đã cổ phần hóa và Nhà nước còn sở hữu một phần vốn; nhóm thứ 3 là các công ty tư nhân, cổ phần.

Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ logistics đang có nhiều cơ hội lớn trong một một sân chơi lớn.

"Từ nay cho đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành logistics tại Việt Nam là 12%/năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức 623 tỷ USD, đây đang làm điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam bùng nổ" là dự báo khả quan của WB.

Dịch chuyển trọng tâm logistics thế giới sang châu Á: Cơ hội cho DN Việt - ảnh 2
 Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Diễn đàn Logistic Việt Nam 2017
Lợi thế mà ngành logistics tại Việt Nam đang có cũng được nêu rõ tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 (do Bộ Công Thương xây dựng): Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh ngành logistics toàn cầu. Lĩnh vực logistics thế giới sẽ chuyển dịch trọng tâm về các thị trường đang phát triển tại châu Á. Việt Nam đang có nhiều lợi thế để đón nhận sự dịch chuyển này.

Về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới cũng như trở thành địa điểm trung chuyển hàng hoá lý tưởng cho các nước. Chẳng hạn, Việt Nam là điểm chuyển tải cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái (TPHCM) và hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, EU qua khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Về môi trường kinh doanh, sự cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô trong tiến trình mở cửa và hội nhập của Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025" đã tạo tiền đề và trở thành động lực mới cho sự phát triển của dịch vụ logistics. Logistics Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Giải pháp gia tăng thị phần trong "miếng bánh" logistics

Số liệu của VLA phản ánh một bức tranh màu xám: Hầu hết các doanh nghiệp tham gia tích cực vào lĩnh vực logistics đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên mức đóng góp cho nền kinh tế chỉ khoảng 2-3%.

Vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 72% (vốn dưới 20 tỷ đồng), với số lượng lao động 30-40 người (trong đó, chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp).  

Gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản. Việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Vì vậy, chỉ có 25% thị phần logistics nằm trong tay doanh nghiệp Việt Nam, 75% "miếng bánh" lớn còn lại ở trong tay doanh nghiệp nước ngoài.

WB chỉ rõ: Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Cho dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam vẫn còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Trước thực trạng đó, bài toán đặt ra tại Diễn đàn là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics đón được cơ hội vàng và Việt Nam trở thành một trung tâm logistics của ASEAN?

Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 khuyến nghị: Hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh của Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào công nghệ và con người trong kế hoạch phát triển logistics thời gian tới.

Dịch chuyển trọng tâm logistics thế giới sang châu Á: Cơ hội cho DN Việt - ảnh 3
 Lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo trong lĩnh vực logistics
Các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội nên tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ nêu trong Quyết định 200/QĐ-TTg. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng logistics trọng điểm như cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Hải Phòng-Quảng Ninh, sân bay Long Thành, trung tâm logistics cấp I tại Hà Nội và TP HCM.

Lồng ghép các hoạt động hội nhập và hợp tác trong khu vực với việc mở cửa thị trường, tiếp cận nguồn hàng từ các nước láng giềng, nâng cao chất lượng và chuẩn hóa dịch vụ logistics.

Mở rộng mạng lưới đào tạo về logistics, đẩy mạnh tuyên truyền về logistics cho các cấp, các ngành và các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh.

Tiếp tục hoàn thiện khung thể chế và bộ máy quản lý nhà nước hỗ trợ logistics phát triển. Các doanh nghiệp phải chủ động, năng động tận dụng cơ hội.

"Phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới" không chỉ là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mà còn là trăn trở và quyết tâm của các doanh nghiệp logistics Việt, với mong muốn phần lớn "miếng bánh"logistics có trong tay mình.