Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển DN”: Đề xuất giải pháp để DN phát triển bền vững

21:49 | 18/06/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là các giải pháp khuyến nghị doanh nghiệp chỉnh lại “cột kèo” của mình và các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển DN”: Đề xuất giải pháp để DN phát triển bền vững - ảnh 1
Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”. Ảnh: Đức Tân/DNVN 
Ngày 18/06, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp”. Diễn đàn tập trung thảo luận về 2 nhóm chủ đề chính, gồm: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và phát triển”, “Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số”.

Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế tham dự đối thoại và thảo luận về các vấn đề kinh tế, định hướng phát triển cho tương lai và đề xuất các giải pháp giúp phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp. 

Tại Diễn đàn, các đơn vị đã chia sẻ, thảo luận, phản biện các vấn đề, tập trung xoay quanh nội dung về tình hình kinh tế và phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam, đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Khai mạc Diễn đàn, TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp nhấn mạnh phát triển doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Ông Hùng cho rằng, mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự có chất lượng, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng, góp phần cắt giảm chi phí giao dịch, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh công bằng thì những quy định ấy chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ông Hùng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì còn nhiều tiềm năng ở khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được khai thác hết.

“Hầu hết các doanh nghiệp trong nước còn ở quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. Do đó, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số là 2 vấn đề cần được ưu tiên để giúp doanh nghiệp tự chủ và vươn lên trong hội nhập. Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà”, ông Hùng nói.

Diễn đàn “Đổi mới và Phát triển DN”: Đề xuất giải pháp để DN phát triển bền vững - ảnh 2
TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn dàn. Ảnh: Đức Tân/DNVN 
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, khả năng thích ứng với nền kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khu vực doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập internet.

Sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, giải quyết các vấn đề tấn công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế… cũng là một rào cản lớn.

Để vượt qua những rào cản này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, giải pháp mà các chuyên gia tham dự Diễn đàn đưa ra sẽ đề cập sâu tới yếu tố mang tính nền móng của khởi nghiệp và sự điều chỉnh lại “cột kèo” của doanh nghiệp trên tất cả các loại hình.

Hai giải pháp mà TS. Hồ Sỹ Hùng và ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự.

Theo đó, ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, rất có thể xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn.

Trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.

Đồng thời, doanh nghiệp nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi đã có phương pháp chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các doanh nghiệp với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia

Ông Nguyễn Hoa Cương đề xuất: Bên cạnh việc cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.

Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, công nghệ… cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo đột phá trong thúc đẩy hộ kinh doanh đăng ký thành doanh nghiệp.

Ban hành Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng; tạo điều kiện hình thành doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Tăng cường liên kết doanh nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng Đề án hình thành liên đoàn kinh tế tư nhân nhằm phát huy tối đa sức mạnh và nguồn lực từ khu vực này.

Ngoài ra, theo ông Cương, cần xây dựng Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lương, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030; xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, về ứng dụng chuyển giao công nghệ, sử dụng năng lượng… trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn mạnh mẽ đối với loại hình doanh nghiệp này.