Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương
Cụ thể, Quốc hội điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng, trong đó, các thành phố: Hà Nội giảm 367,5 tỷ đồng, Đà Nẵng giảm 418,5 tỷ đồng, Cần Thơ giảm 394,3 tỷ đồng và các tỉnh: Quảng Ninh giảm 147 tỷ đồng, Quảng Bình giảm 158,7 tỷ đồng, Khánh Hòa giảm 47,8 tỷ đồng, Lạng Sơn giảm 14 tỷ đồng.
Đồng thời, điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 07 địa phương với tổng mức tăng là 226 tỷ đồng, trong đó, thành phố Hải Phòng tăng 20,2 tỷ đồng và các tỉnh: Bắc Kạn tăng 33,7 tỷ đồng, Phú Thọ tăng 7,3 tỷ đồng, Yên Bái tăng 55,7 tỷ đồng, Hải Dương tăng 83,8 tỷ đồng, Nam Định tăng 22,1 tỷ đồng, Bắc Giang tăng 3,2 tỷ đồng.
Điều chỉnh tăng dự toán chi trả nợ gốc năm 2022 của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để thực hiện trả nợ trước hạn. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn và thực hiện trả nợ trước hạn theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài số tiền 14.713,362 tỷ đồng.
Vê điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Quốc hội giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền là 2.268,3 tỷ đồng, trong đó, Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính, trong đó, Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng.
Quốc hội cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.