Điệu Waltz cần có hai người và trận boxing cũng vậy
Nếu như có một nơi nhộn nhịp nhất trong đời sống chính trị trên thế giới, thì đó phải là phố K Street NW tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, hay còn gọi là khu phố của ngành lobby. Trong một tuần nay, nơi này trở nên đặc biệt sôi động với những bóng người mặc vest công sở hớt hải chạy đi chạy lại, và những lời bàn tán xôn xao trong các tiệm Café, nhà hàng. Có một điều mà tất cả mọi người đang phải nhắc đến, đó là “chiến tranh thương mại”.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Trump công bố một bản memo trong đó sẽ xem xét áp đặt 60 tỷ đô-la thuế lên khoảng 1300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với lý do vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó không lâu, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế nhập khẩu lên máy giặt hồi tháng 1 và thuế nhôm thép vào đầu tháng 3.
Mặc dù đã dần quen với những lời nói mạnh mẽ và biện pháp bảo hộ của ông Trump, nhưng thế giới không khỏi tiếp tục bị sốc và lo ngại, bởi lẽ bước đi lần này hoàn toàn nhằm vào Trung Quốc với một quy mô rất lớn. Chỉ vài giờ sau đó, Trung Quốc đã “ăn miếng trả miếng” bằng việc áp đặt thuế trị giá 50 tỷ lên các mặt hàng Hoa Kỳ. Ông Trump đã ngay lập tức tuyên bố sẵn sàng trả đòn bằng mức thuế lên đến 100 tỷ đô-la.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, với sự lệ thuộc kinh tế chặt chẽ vào nhau, dường như đã nổ những phát súng ban đầu.
Chiến tranh thương mại là gì ?
Một điều thú vị là cụm từ “Chiến tranh thương mại” được sử dụng thường xuyên, đặc biệt trong thời gian gần đây; nhưng dường như chưa có một định nghĩa rõ ràng về nó. Có thể tạm coi “chiến tranh thương mại” sẽ xảy ra khi đáp ứng tương đối 3 yếu tố. Thứ nhất, các bên phản đòn nhau liên tục và ngày một khốc liệt hơn. Thứ hai, các mặt hàng bị áp dụng tương đối toàn diện trong quan hệ thương mại, chứ không chỉ tập trung vào một số ngành hàng nhất định. Thứ ba, các bên có biểu hiện bỏ qua các cơ chế xử lý tranh chấp, trong đó có WTO, mà đi thẳng vào các biện pháp trả đũa. Về hậu quả, tổng mức thương mại toàn cầu sẽ suy giảm theo từng giai đoạn ngắn, và kéo theo đó là sự đi xuống của tăng trưởng toàn cầu.
Những gì đang diễn ra cho thấy dường như cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã chớm bắt đầu. Mặc dù đề xuất thuế 60 tỷ của ông Trump vẫn còn 60 ngày đàm phán mới thành hiện thực.
Người ta vẫn còn đang tranh cãi rất nhiều về lý do chính quyền Trump lại có những hành động mạnh bạo về thương mại đến vậy trong bối cảnh hiện nay. Các nhà kinh tế theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ nói rằng điều này là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế nội địa của Mỹ, vốn đã bị thua thiệt trong một thời gian dài bởi hệ thống thương mại đa phương “không công bằng”với họ và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của Trung Quốc.
Các nhà phân tích chính trị thì sẽ coi đây là những nỗ lực của ông Trump nhằm thu hút phiếu bầu của các cử tri ủng hộ mình tại kỳ bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Đây là kỳ bầu cử rất quan trọng vì một kết quả không tốt cho Đảng Cộng Hòa sẽ cản trở rất nhiều những việc ông Trump có thể làm trong thời gian còn lại, tới khả năng tái tranh cử nhiệm kỳ hai, và thậm chí là tăng nguy cơ bị luận tội truất quyền.
Ở cấp độ quốc tế, những chiến lược gia sẽ lập luận rằng đây là thời điểm quyết tử đối với nước Mỹ nhằm chặn đứng một Trung Quốc đang vươn lên. Nếu như họ để Trung Quốc vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, thực hiện được các mục tiêu “made in China 2025” thì nước Mỹ phải nhường ngôi vị số 1 thế giới và kết thúc giai đoạn lịch sử huy hoàng của mình. Nước Mỹ phải hành động để ngăn chặn kẻ đối đầu đang trỗi dậy trên lưng chính mình.
Ở một chiều ngược lại, có những lý do để những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng ông Trump không thể suy nghĩ dài hạn như vậy. Một Tổng thống Mỹ bao giờ cũng trải qua ba giai đoạn: thắng cử, tồn tại, và tạo di sản để đời. Với bối cảnh nội bộ nhiễu nhương hiện nay, ông Trump sẽ phải góp nhặt thành tích ngắn hạn để tồn tại qua sóng gió chính trường, trước khi nghĩ đến những điều lớn lao như là kiềm chế Trung Quốc. Nhiều khả năng ông Trump hiện nay chỉ đang thực hiện những gì như đã viết trong quyển sách “Trump: the Art of the Deal”, đó là đẩy vấn đề lên thật cao để ép đối thủ phải nhượng bộ theo ý mình muốn. Qua đó, mục tiêu thực sự của chính quyền Trump là Trung Quốc sẽ xuống thang và đồng ý đàm phán những thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ. Thực tế là vào rạng sáng 08/04, ông Trump đã viết lên Twitter của mình rằng ông với ông Tập Cận Bình sẽ luôn là bạn, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các rào cản thương mại và hai nước sẽ chia sẻ một tương lai tươi sáng.
Và cho dù lý do có thế nào đi chăng nữa, thì mức thuế 60 tỷ của ông Trump đã đẩy quan hệ Mỹ - Trung tới một mốc căng thẳng mới. Các sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới chứng kiến những dấu hiệu đỏ. Trong khi các công ty lobby và các nhà làm luật ở Washington sẽ được một phen bận rộn trước khi cái mốc 60 ngày mà ông Trump đưa ra kết thúc.
Khi sư tử tỉnh thức
Napoleon đã từng so sánh Trung Quốc như một con sư tử, nếu tỉnh dậy sẽ làm rung chuyển thế giới. Mặc dù còn nhiều bàn cãi cả khách quan lẫn định kiến, nhưng khó có thể phủ nhận tiềm lực và tâm thế mới của người khổng lồ này. Trong những tuần qua, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định họ không mong muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng nếu xảy ra thì họ không sợ. Thực tế là Trung Quốc đã có những sự kiềm chế nhất định trước những chỉ trích và các cú ra đòn của ông Donald Trump kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay. Họ đã nỗ lực “lấy tĩnh chế động” trước những vấn đề hết sức nhạy cảm mà Mỹ liên tục nêu ra như Đài Loan và chiến tranh thương mại.
Trung Quốc cũng ý thức được thế yếu của mình trong cuộc chiến này. Trong động thái trả đòn đầu tiên với mức thuế 50 tỷ, một mặt Trung Quốc chỉ đánh vào các hàng hóa xa xỉ phẩm nhập khẩu từ Mỹ để không ảnh hưởng tới người dân nghèo. Mặt khác, họ chơi một con bài mạnh là đánh thuế đậu tương, vốn là thứ mặt hàng được sản xuất từ các bang nông nghiệp – yếu huyệt của ông Trump. Mặc dù làm vậy sẽ khiến giá lương thực tại Trung Quốc tăng cao, nhưng với họ điều đó là cần thiết khi mà cuộc vận động cho bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018 ở Mỹ đang ở giai đoạn cao trào.
Ở mặt trận trong nước, Trung Quốc có tương đối nhiều lợi thế. Với đặc điểm nền kinh tế có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực nhà nước, chính quyền Bắc Kinh có nhiều công cụ để can thiệp trực tiếp vào thị trường. Một trong những biện pháp họ sẽ làm là đưa ra các chương trình hỗ trợ dân nghèo để ổn định xã hội. Đồng thời, với việc các tập đoàn của Mỹ hiện đang đầu tư sâu và chưa thể chuyển hướng kinh doanh, Trung Quốc có thể tạo ra những sức ép lên họ, ví dụ đưa ra các điều luật hạn chế kinh doanh, đóng cửa nhà máy vì lý do an ninh quốc gia, hay đơn giản là làm khó dễ về logistics.. Như vậy sẽ buộc các tập đoàn này phải hướng về Washington để lobby và gây sức ép. Đó là tinh thần của kế “vây Ngụy cứu Triệu”.
Trung Quốc hiểu rằng, xét về lịch sử, nước Mỹ vốn không nổi tiếng về khả năng “chịu đau” lâu dài. Đặc thù nền dân chủ kiểu Mỹ nhìn chung sẽ khiến quốc gia này thường phải để tâm đến những vấn đề nảy sinh ngắn hạn. Kinh tế Mỹ nói chung mới chỉ phục hồi tương đối trong thời gian gần đây. Người dân Mỹ sẽ bắt đầu phản ứng khi nhận thức ra chén cơm của họ bị ảnh hưởng. Xét riêng về thuế nhôm thép hồi tháng 3, một nghiên cứu chỉ ra rằng hành động đó của ông Trump sẽ mang lại khoảng 10.000 việc làm cho nền công nghiệp này, nhưng nó sẽ cướp đi khoảng 500.000 việc làm ở các lĩnh vực khác. Tức là bỏ ra 18 đồng để thu về 1 đồng. Còn với Trung Quốc, một quốc gia xuất phát điểm từ nghèo đói, với đặc thù hệ thống quản lý xã hội tập trung, không phải là vô cớ mà họ tự tin vào khả năng chịu đựng lâu dài của mình.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng ông Trump không phải một Tổng thống Mỹ thông thường. Bất ngờ trở thành tổng thống khi trào lưu dân túy tại Mỹ cực vượng, ông Trump đã cho thấy khả năng huy động sự ủng hộ cử tri đáng kinh ngạc của mình. Mặc dù nội bộ nước Mỹ vẫn còn đầy chia rẽ, nếu như ông Trump bám trụ được vào những thành trì ủng hộ mình là những bang nông nghiệp, khu vực vành đai công nghiệp... thì cuộc đọ sức với Trung Quốc sẽ vẫn có thể kéo dài ít nhất 2 năm nữa.
Và khi bị đẩy đến đường cùng, Trung Quốc vẫn còn những “quân bài đau thương” khác chưa muốn đụng tới. Về ngắn hạn, Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ để tạo ra lợi thế so sánh hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra áp lực lạm phát trong nước, và góp phần đổ thêm dầu vào lửa tại cuộc chiến mà Trung Quốc không muốn xảy ra.
Ngoài ra, một biện pháp không loại trừ là Trung Quốc sẽ sử dụng công cụ tài chính - tiền tệ. Hiện nay Trung Quốc đang nắm giữ 1,2 nghìn tỷ trái phiếu. Nếu như Trung Quốc bán một phần số trái phiếu này ra, hoặc ngừng mua, hoặc đơn giản chỉ phát tín hiệu, điều này sẽ tạo hiệu ứng làm tăng lãi suất cho vay tại Mỹ, và khiến cho các hoạt động đầu tư sản xuất gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc chơi hết sức nguy hiểm, vì như vậy họ đã chuyển từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh tài chính và chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đi đến đích trong quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của mình, và với việc Mỹ là nước nắm đằng chuôi trong việc in tiền, khoản tài sản 1,2 nghìn tỷ đô-la mà Trung Quốc nắm giữ sẽ có thể không cánh mà bay.
Tất nhiên, đó là những kịch bản cực đoan, tương đối xa vời và chúng ta không ai hi vọng sẽ xảy ra.
Đành rằng, một cuộc chiến tối thiểu phải có hai phía tham chiến, cũng giống như một điệu waltz cần hai vũ công hay một trận boxing không thể diễn ra nếu chỉ có một võ sĩ. Nhưng kết cục có phải chỉ là một bên thắng, một bên thua, nhất là khi hai võ sĩ đều nặng ký với những cú ra đòn tạo nhiều dư chấn?
Tính phức tạp của câu chuyện nằm ở chỗ Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có quan hệ chặt chẽ bổ sung cho nhau. Các mặt hàng trao đổi giữa hai bên không chỉ đơn thuần là hàng tiêu dùng, mà rất nhiều trong đó là lương thực, nguyên vật liệu và các linh kiện đầu vào cho chuỗi sản xuất nội địa của từng nước. Các tập đoàn xuyên quốc gia của Mỹ trong những thập kỷ qua đã đầu tư rất lớn tại Trung Quốc, và phía doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự trên đất Mỹ. Không chỉ Trung Quốc, bản thân nước Mỹ cũng hưởng lợi nhiều từ mối quan hệ này, với ví dụ tiêu biểu là chiếc iPhone.
Đấy là lý do mà các đời Tổng thống trước từ George Bush đến Barack Obama không dám tiến hành chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc, mà chỉ giới hạn ở một số ngành hàng. Và đó cũng là lý do mà những chỉ trích của Mỹ với Trung Quốc có phần bị coi là định kiến và “tiêu chuẩn kép”: khi có lợi thì im lặng, khi bị thiệt thì la làng.
Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau đó khiến cho một cuộc chiến thương mại nếu xảy ra sẽ đem lại tổn hại rất lớn cho cả hai bên. Hãy thử tưởng tượng hai võ sĩ boxing, sẽ khó xoay xở và đau thương thế nào nếu trói chân họ lại với nhau trên sàn đấu. Sự đan xen đó cũng giống như việc hai nhà dùng chung một cái ao, nếu như “hòn đá ném đi, hòn đá ném lại” thì rốt cuộc sẽ chẳng ai được lợi. Việc áp đặt thuế mới ngay lập tức sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh bị thu hẹp lại, và miếng cơm manh áo của người dân thường bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không phải là ông Trump và bộ sậu của mình không biết điều này. Mỹ hiện đang nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 506 tỷ đô-la, còn Trung Quốc nhập từ Mỹ 131 tỷ. Nước nào nhập nhiều hơn thì sẽ có nhiều không gian để áp thuế hơn. Nếu đặt lên bàn cân so sánh một cách hình tượng thì hiện nay Mỹ đang ở vị thế gấp 3 lần Trung Quốc. Ví dụ như việc Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 50 tỷ lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Như vậy là họ sẽ sử dụng gần một nửa không gian lựa chọn của mình. Trong khi nếu Tổng thống Trump tiếp tục với mức thuế 100 tỷ, nước Mỹ mới vẫn còn lại 4/5.
Chiến tranh thương mại khác với chiến tranh quân sự ở chỗ khó dẫn đến thời điểm mà một nước sẽ đầu hàng. Mà đó là câu chuyện kẻ nào chịu đau giỏi hơn, dài hơi hơn đến lúc đối thủ mình phải nhượng bộ. Mặc dù hiện nay Trung Quốc đã có những thành công nhất định trong chuyển đổi mô hình kinh tế sang hướng tiêu dùng trong nước, và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, họ vẫn đang đứng ở trong một thời điểm then chốt vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việc sụt giảm đột ngột trong xuất khẩu sang Mỹ sẽ khiến quá trình vươn lên chậm lại, và thậm chí có thể mang lại những hệ lụy về bất ổn xã hội đối với quốc gia 1,4 tỷ dân với chỉ số bất bình đẳng thu nhập GINI cao là 0.41.
Những hệ quả đối với các quốc gia còn lại
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay mặc dù mới chỉ chớm bắt đầu và vẫn còn 60 ngày nữa để các nhà lobby tại Washington giải tỏa, làm giảm thiệt hại hay tạm hoãn vô thời hạn. Nhưng những tác động của cuộc chiến này đã có thể thấy khi các sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới đang chứng kiến những sắc đỏ. Thị trường tài chính vốn rất không ưa tính bất định luôn là nơi phản ứng nhanh nhất.
Với câu hỏi một quốc gia như Việt Nam sẽ hưởng lợi hay gặp khó khi cuộc chiến thương mại diễn ra, sẽ là quá đơn giản nếu trả lời có hoặc không. Mà có lẽ cần xem xét kỹ hơn ở các góc độ tiêu dùng, đầu tư, doanh nghiệp nhập khẩu hay xuất khẩu, nơi đó sẽ phân định ra những kẻ thắng - người thua khác nhau.
Về bất lợi, hiệu ứng không thuận đồng thời xảy ra là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nỗ lực bán hàng sang Việt Nam với giá rẻ hơn, khiến cho sản xuất nội địa bị cạnh tranh. Riêng với những doanh nghiệp của Việt Nam đang hợp tác với Trung Quốc trong chuỗi sản xuất các linh kiện đầu vào để hướng tới xuất khẩu sang Mỹ, họ sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn. Đặc biệt Mỹ cũng có thể sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc.
Một bất lợi đáng kể nữa là ở tầm vĩ mô, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa rõ hồi kết sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất lớn nên tính bất định của kinh tế thế giới là điều chúng ta không mong muốn.
Về thuận lợi, ở góc độ tiêu dùng, nếu chỉ xét riêng việc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ hạn chế hàng hóa nhập khẩu vào hai nước này, thì về mặt lý thuyết Việt Nam sẽ có thể mua các mặt hàng này với giá rẻ hơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ sẽ tìm cách xuất khẩu sang các thị trường bậc trung như Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận. Về khía cạnh đầu tư, các tập đoàn lớn sẽ phải tính đến phương án giảm thiểu rủi ro về lâu dài, tiêu biểu như thực hiện chính sách “China+1”: Chuyển một phần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam.
Ở góc độ xuất nhập khẩu, các công ty Việt Nam có thể nhập khẩu hàng hóa đầu vào rẻ hơn, từ đó hỗ trợ sản xuất trong nước. Xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể tăng đối với các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu của Trung Quốc, trong điều kiện Mỹ không đưa ra các biện pháp bảo hộ đối với Việt Nam tương tự với Trung Quốc.
Tuy nhiên, để định lượng được tác động cụ thể và tính toán tổng mức lợi – hại thì cần phải sử dụng các mô hình kinh tế lượng chi tiết. Điều này cần nhờ các chuyên gia kinh tế phân tích kỹ hơn.
Hiện nay xuất hiện một số nhận định ban đầu từ các nhà phân tích là Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn là gặp hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cần lưu ý rằng cuộc chiến thương mại có thể kết thúc bất cứ lúc nào, khi đó những lợi thế ngắn hạn sẽ phải trở về nhường chỗ cho những lợi thế dài hạn. Về lâu dài, các nguồn lợi thương mại phải đến từ việc quốc gia đó nỗ lực nâng cao nội lực, năng lực cạnh tranh của mình. Vì thế, điểm mấu chốt là cần phải chuyển hóa được những lợi ích ngắn hạn từ thương mại thành khả năng sản xuất nội địa lâu dài. Cơ hội nếu có đến, sẽ chỉ ý nghĩa khi ta nắm bắt và có những sự chuẩn bị chiến lược.
Sơ Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả vào tháng 04/2018