DN chủ động tận dụng cơ hội từ những gói hỗ trợ chống dịch COVID-19
Bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Hiện có các ngân hàng xây dựng gói 100.000 tỷ đồng, gói 20.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng…Theo đó, hơn 10 ngân hàng tham gia chương trình này, bao gồm Big 4 ngân hàng TMCP Nhà nước và 6 ngân hàng cổ phần. Mức lãi suất cho vay sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp và đơn vị bị ảnh hưởng, không có mức cố định.
Các ngân hàng nhanh chóng vào cuộc như BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng… Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam cho biết, hiện các ngân hàng đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 285.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.
Cùng với sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cũng đang lấy ý kiến về việc tạm dừng đóng BHXH đến hết tháng 6 và không tính lãi phạt nộp chậm để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
BHXH Việt Nam vừa cho biết, đơn vị đang đề xuất tạm dừng đóng BHXH đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, các doanh nghiệp, đơn vị có số lao động nghỉ việc vì dịch COVID-19 cao có thể tạm dừng đóng BHXH đến hết tháng 6 và không tính lãi phạt chậm nộp.
Bên cạnh đó, dự thảo hướng dẫn của BHXH Việt Nam yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo chủ tịch UBND tỉnh rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan tổ chức có 50% lao động tham gia BHXH nghỉ việc tiến hành lập hồ sơ.
Từ đó, cơ quan bảo hiểm sẽ căn cứ hồ sơ để tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định, kể từ tháng doanh nghiệp đề nghị đến tháng 6/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng BHXH, các cơ quan chức năng không thực hiện thanh tra chuyên ngành, hoặc kiểm tra theo kế hoạch việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra, nếu không có dấu hiệu vi phạm.
Có thể khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đang có cơ hội được hỗ trợ về tín dụng, tạo điều kiện để khắc phục khó khăn khi lao động nghỉ việc.
Tuy nhiên, để cơ hội này thực sự gỡ khó, doanh nghiệp cần chủ động trong thực hiện các quy trình liên quan đến thủ tục chứng minh sự khó khăn cần được hỗ trợ của mình. Các cơ quan chức năng đang khuyến khích sự khai báo thủ tục theo mẫu kê khai online và đây là sự đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cần chứng tỏ chiến lược kinh doanh của mình sau khi dịch COVID-19 qua đi vì bản chất của hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng là tránh nợ xấu. Giới chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất, có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhưng đối với việc cho vay mới chắc chắn là các nhà băng sẽ phải cân nhắc cẩn trọng đối tượng khách hàng trước khi giải ngân nếu không muốn nợ xấu gia tăng trong tương lai.