DN xuất khẩu hương nhang sang Ấn Độ: ‘Chết gan chết ruột’
Chuyển từ trạng thái tự do sang hạn chế nhập khẩu
Ngày 31/8, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) ban hành Thông báo số 15/2015-2020 về việc điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti). Theo đó, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Thông báo có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019.
Theo chính sách điều chỉnh, để có thể nhập khẩu vào Ấn Độ, các doanh nghiệp nhập khẩu hương nhang và các chế phẩm khác phải xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công Thương Ấn Độ (do Tổng cục Ngoại thương cấp). Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương Ấn Độ chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp phép nhập khẩu cũng như thời gian cấp phép. Theo phản ánh của các đối tác nhập khẩu hương nhang tại Ấn Độ, chưa có doanh nghiệp nào xin được giấy phép nhập khẩu.
Bày tỏ tâm tư tại cuộc họp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng bàn giải pháp ứng phó chiều 16/9, ông Võ Xuân Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Giang chia sẻ: Lĩnh vực sản xuất và thương mại mặt hàng hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ không phải là mảng lớn nhưng lại là lĩnh vực đóng góp nguồn thu ngân sách 70-100 triệu đô la một năm và tạo rất nhiều công ăn việc làm cho những lao động đặc biệt – những người từ 40 tuổi trở lên không thể tiếp tục lao động trong các khu công nghiệp, thậm chí cả những người khuyết tật cũng có thể tham gia sản xuất.
Ông Nguyễn Hàn Vũ, Phó Giám đốc Công ty Nam Lâu – doanh nghiệp đại diện miền Trung (Bình Định) cũng chia sẻ: “Có trên 10.000 lao động tham gia sản xuất hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ. Trung bình mỗi hộ gia đình thu nhập được 5 triệu đồng, có nghĩa mỗi tháng, lương của bà con lao động sản xuất hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ là 50 tỷ - con số không hề nhỏ đối với người dân ở những vùng miền thuần nông”.
Nguy cơ triệt tiêu sản xuất, thất nghiệp và ô nhiễm
Là chủ của một doanh nghiệp đã có thâm niên hàng chục năm sản xuất hương nhang, bà Chu Thị Nguyệt – Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hồng có trụ sở tại Hưng Yên không giấu được xót xa: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp thế này. Hàng nghìn lao động, khoảng 800 chiếc máy sản xuất, trung bình mỗi chiếc máy là 16 triệu, đó là chưa kể đến giá trị lên tới 20 tỷ nguyên liệu trong kho… đang có nguy cơ bị thải loại. Vốn chúng tôi phải vay ngân hàng. Đó là chưa kể tới, chúng tôi đã giải quyết hàng nghìn lao động địa phương có việc làm ổn định, trong đó có tới 30 phần trăm là người già và khuyết tật. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng lên tiếng để doanh nghiệp “thoát nạn” trước những quy định từ phía Ấn Độ”.
“Quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ đột ngột và chưa từng có tiền lệ khiến doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này có thể phá sản. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần có hành động mạnh mẽ để phía Ấn Độ ngừng việc hạn chế trên, ít nhất là cho chúng tôi một độ trễ từ 2-4 tháng để chúng tôi xin giấy phép xuất khẩu”, ông Hậu đề xuất.
Ông Nguyễn Hàn Vũ nhấn mạnh thêm: Việc Ấn Độ đưa ra quy định đột ngột để hạn chế mặt hàng hương nhang xuất khẩu của Việt Nam tác động với người lao động rất lớn. Nếu các doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ phá sản, không chỉ doanh nghiệp chết mà nhiều tệ nạn có thể bị kéo theo xuất phát từ nạn thất nghiệp gia tăng.
“Các nguyên liệu dùng để sản xuất hương nhang bị tồn kho để lâu sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là chưa kể tới ngành sản xuất gỗ không biết làm gì với mùn cưa vì đốt hay chôn mùn cưa đều vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Chi phí để xử lý mùn cưa cũng hết sức tốn kém”, ông Phạm Thành Luân, Giám đốc Công ty Liên Thành – đại diện cho doanh nghiệp khu vực TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long nói.