DN xuất khẩu Việt cần nghiên cứu kỹ cả GSP và EVFTA
Về quy tắc xuất xứ, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may cần làm rõ, nghiên cứu kỹ quy tắc được đưa ra trong cả GSP và EVFTA. Thực tế, quy tắc đưa ra tại GSP khác với quy tắc xuất xứ mà EVFTA quy định. Doanh nghiệp đặc biệt chú ý, khi EVFTA có hiệu lực, GSP có điều khoản quy định trong vòng hai năm doanh nghiệp vẫn có quyền áp dụng quy tắc xuất xứ của GSP nếu doanh nghiệp thấy việc áp dụng này có lợi cho mình.
“Ví dụ, có một số nguyên tắc theo GSP quy định về sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất sang EU có ưu đãi chỉ cần vải làm ra ở Việt Nam, không nhất thiết phải là sợi. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng khác sẽ còn nhiều vấn đề phức tạp nữa, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ xem sau khi EVFTA có hiệu lực, quy tắc xuất xứ tại GSP có được áp dụng nữa hay không. Điều này cũng đòi hỏi từng ngành một phải có nghiên cứu riêng, trước hết là Bộ Công Thương. VCCI cũng đang muốn hợp tác với EuroCham để triển khai công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định cụ thể này”, ông Minh nói.
“Từng năm một, từng ngưỡng một chúng ta sẽ so sánh với mức thuế suất của GSP hiện nay đang được áp dụng. Xảy ra trường hợp ngành dệt may hiện nay theo GSP thuế chỉ đóng 9%, tuy nhiên, mức thuế suất cơ bản là 13-15% chẳng hạn, khi giảm theo EVFTA chỉ có thể giảm đến 11%. Rõ ràng chúng ta sẽ có quyền áp dụng 9% theo ưu đãi của GSP”, theo Phó Chủ tịch EuroCham.
Ông Minh cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại là DNNVV không được tiếp cận thông tin để biết được lợi ích từ các FTA: “Việt Nam kết thúc đàm phán EVFTA từ năm 2015 nhưng chưa có nhiều thông tin tuyên truyền đến các doanh nghiệp. Bây giờ là thời điểm chúng ta phải chạy đua thời gian vì khả năng cao EVFTA sẽ được phê chuẩn trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Đấy là lý do tại sao công tác diễn giải Hiệp định cần phải được tiến hành nhanh chóng”.
Cụ thể, ông Minh khuyến nghị cần phải có chương trình đào tạo cho từng ngành về nội dung EVFTA. Từng ngành một những quy định cụ thể trong EVFTA lại khác. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn mới có thể hiểu và nắm được cơ hội cho mình từ EVFTA.
“Doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh lại kế hoạch và cơ chế hoạt động của mình. Rõ ràng, thành công hay không là do nỗ lực của các doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt là các DNNVV”, ông Minh nói.