Đô thị hóa đúng cách sẽ thu hẹp khoảng cách phát triển

20:32 | 14/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đô thị hóa ngày nay đã trở thành một tiến trình toàn cầu với tốc độ chóng mặt tại các nước đang phát triển. Trong đó, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa đứng đầu khu vực Đông Nam Á với bình quân khoảng 1% mỗi năm. Dự báo kết thúc năm 2019, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt mức 40%.

Theo nghiên cứu được công bố của Công ty đa quốc gia chuyên về ngân hàng và tài chính Standard Chartered, đô thị hóa có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Nếu như năm 1999 Việt Nam chỉ có 629 đô thị thì sau 20 năm, con số này đã đạt mức 833. Khu vực đô thị cũng đóng góp 70-80% tổng GDP của cả nước.

Nhìn nhận về quá trình đô thị hóa của Việt Nam tại Hội thảo tham vấn "Thúc đẩy vai trò đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới", TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, quá trình đô thị hóa là quá trình thúc đẩy, cơ cấu cho phát triển. Thách thức thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa đặt ra nhiều nội dung và đậm nét hơn so với trước đây.

Đô thị hóa đúng cách sẽ thu hẹp khoảng cách phát triển - ảnh 1
  Việt Nam có tốc độ đô thị hóa đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, đến nay chúng ta vẫn xem nhẹ quá trình đô thị hóa, ít có những chương trình, định hướng cho quá trình đô thị hóa. Vì thế, quá trình đô thị hóa như nhận định của các chuyên gia là phát triển mang tính chất tự phát, không gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Chúng ta thiếu sự gắn kết hài hòa giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa chưa tuân thủ các quy hoạch nên làm mất cân đối giữa phát triển hạ tầng kết nối trong đô thị nói riêng và kết nối đô thị với vùng lân cận nói chung.
"Do đó, không phát huy được thế mạnh, tiềm năng của đô thị hóa để thúc đẩy phát triển. Nếu tình trạng này tiếp tục có thể dẫn đến việc đô thị hóa trở thành gánh nặng của sự phát triển, thay vì là động lực thúc đẩy sự phát triển", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý ĐH Fullbright TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ: “Việt Nam là quốc gia với quá trình đô thị hóa trong thời gian dài không có chính sách, sự điều phối, phát triển một cách tự phát và không được quy hoạch. Do vậy, đẩy mạnh đô thị hóa được quy hoạch cụ thể với những chính sách mới sẽ giúp phát triển kinh tế”.