Doanh nghiệp cần được “trợ thở”

14:46 | 09/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, số lượng doanh nghiệp bị “khai tử” cao hơn số doanh nghiệp mới được “khai sinh”. Đây là điều rất đáng lo ngại mà nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch Covid-19...

Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành giữa tháng 3 vừa qua cho thấy đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần được “trợ thở” - ảnh 1

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, song đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Không những thế, dịch Covid -19 quay trở lại, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần được “trợ thở” - ảnh 2

VCCI đánh giá, những ngành bị ảnh hưởng nhiều hiện tại vẫn là du lịch, bán lẻ, vận chuyển hành khách, sản xuất xe có động cơ, đồ uống... Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hiện đang là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

"DỊCH KÉO DÀI, CHÚNG TÔI GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN"

Bà Lê Thiên Hạnh Trang, Giám đốc Công ty CP Truyền thông Golden Bee

Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, sự kiện, vì thế khi làn sóng Covid lần 4 xuất hiện, các hoạt động chính của công ty như sự kiện, tổ chức các chiến dịch truyền thông... đã gần như bị “đóng băng”.

Doanh nghiệp cần được “trợ thở” - ảnh 3

Nhiều đối tác của công ty chúng tôi cũng nằm trong vòng xoáy Covid nên các kế hoạch PR, ra mắt sản phẩm hay dự án mới đều bị ảnh hưởng rất lớn, phải thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch của thành phố. Là một doanh nghiệp nhỏ, tôi rất hy vọng người lao động trong công ty sớm được tiêm vaccine để có thể từng bước ổn định lại sản xuất, kinh doanh bền vững.  Như hiện nay, vừa làm vừa lo, đang lên kế hoạch cho sự kiện, kinh phí đã chi ra, nhưng chẳng may nằm trong khu vực phong tỏa là mọi việc thành ra “xôi hỏng bỏng không”. Doanh nghiệp sẽ khó lòng chống đỡ được các đợt sóng Covid tiếp theo.

DOANH NGHIỆP TÌM GIẢI PHÁP SỐNG CHUNG VỚI DỊCH

Bà Trương Lệ Xuân, Giám đốc Công ty CP Tầm nhìn CNN Việt Nam

Công ty chúng tôi chuyên về đào tạo, bồi dưỡng tiế̂́ng Anh cho học sinh các lứa tuổi. Kinh phí để duy trì cơ sở hạ tầng, trường lớp và giáo viên cũng tương đối lớn. Tất cả đang chờ đợi, hy vọng dịch Covid sẽ sớm qua đi để nhịp sống, làm việc sớm trở lại bình thường.Doanh nghiệp cần được “trợ thở” - ảnh 4

Hiện tại, tất cả các lớp học tại các trung tâm của Công ty CP Tầm nhìn CNN Việt Nam đã chuyển sang học online để đáp ứng yêu cầu phòng dịch của địa phương. Việc học sinh không đến được trung tâm cũng khiến sự kết nối bị giảm sút, hiệu quả học tập không cao như khi được hướng dẫn trực tiếp. Giờ bình thường giáo viên kèm cặp riêng học sinh để bám sát lộ trình, nhưng nhiều ngày qua phải kèm online 100% nên cũng khó khăn hơn.

Học sinh học online nhiều quá nên cũng phát sinh tâm lý chán nản. Có khoảng 15% số học sinh bảo lưu, tạm dừng không học tiếp nên doanh thu giảm. Vì tình hình này nên số lượng học sinh mới tuyển thêm cũng hạn chế. Tôi nghĩ đây là tình hình chung nên doanh nghiệp cũng tự chủ động khắc phục. Chúng tôi chỉ mong muốn dịch được khống chế để học sinh đi học lại càng sớm càng tốt. Theo tôi, dịch không thể kết thúc sớm được nên chúng ta cần tìm ra biện pháp để sống chung với dịch chứ như hiện tại là rất khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”.

MONG SỚM HẾT DỊCH ĐỂ HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI

Ông Đặng Quang Đức, CEO Công ty Đường đua mới

Doanh nghiệp của chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thể thao và sự kiện thể thao nên lệ thuộc hoàn toàn vào việc “mở cửa” của chính quyền. Khi bị cấm tụ tập và hoạt động thể thao có tập trung đông người thì gần như công ty không kinh doanh được.Doanh nghiệp cần được “trợ thở” - ảnh 5

Trong thời gian giãn cách xã hội, văn phòng vẫn phải làm việc và trả các chi phí cố định, nặng nhất là lương, và không thể cho ai nghỉ vì lĩnh vực này đặc thù không phải cứ có người là nhảy vào làm việc được luôn mà phải hiểu vấn đề, hiểu công việc và thị trường cũng như khách hàng đặc thù.. Công ty chúng tôi chỉ mong muốn sớm hết dịch để các hoạt động thể thao ngoài trời, sự kiện thể thao, giải đấu thể thao có thể hoạt động trở lại.

Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi chỉ mở các hoạt động liên quan đến việc cải thiện hệ thống, lập trình, làm việc với các cơ quan chính quyền của các địa phương nơi có các sự kiện đã được lùi lại, khi có lịch tổ chức mới, sẽ làm việc lại với người đã đăng kí sự kiện.

VỚI CHIẾN LƯỢC VACCINE, VIỆT NAM SẼ KIỂM SOÁT ĐƯỢC BỆNH

Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam

Dịch Covid xảy ra khiến các doanh nghiệp trong ngành du lịch điêu đứng. Công ty chúng tôi thay vì chọn cách “ngủ đông” hay xoay đủ hướng kinh doanh thì đã tìm được giải pháp để vượt qua. Chúng tôi dành số tiền hơn 35.000 USD, tương đương với khoảng 800 triệu VND, đầu tư hệ thống phần mềm Travel Master Vietiso để quản lý toàn bộ quy trình làm việc, cho phép nhân viên làm việc online 24/24 tại nhà.Doanh nghiệp cần được “trợ thở” - ảnh 6

Trước đây, với 100 booking cần 10 nhân viên xử lý trong một ngày. Nay với cách làm chuyển đổi số thì một nhân viên có thể xử lý được 50 booking trong một ngày và họ có thể làm việc ở nhà nếu muốn. Cũng chừng đó công việc, trước cần 10 người thì nay chỉ cần 2 người. Toàn bộ hệ thống có thể nắm vững  để theo dõi thế mạnh của từng nhân viên nhằm hỗ trợ họ kinh doanh có thể phát triển tốt nhất. Thậm chí, nhân viên có thể làm thêm công việc khác để tăng thu nhập sau khi đã hoàn thành việc công ty giao.

Trước dịch, mức tăng trưởng của Công ty tương đương 180 – 200%, nhưng sau dịch, hầu hết các công ty du lịch doanh thu  chỉ bằng 0 hoặc âm. Còn với Travelogy Việt Nam, dù doanh số bán hàng không cao, mức tăng trưởng 10-25% sau các đợt dịch cũng đã là may mắn và ít nhất cũng đủ để công ty có thể chi trả mọi chi phí để tồn tại.

Dịch bệnh xảy ra, có đến hơn 80% công ty du lịch dừng hoạt động, đóng cửa thì mức tăng trưởng của Travelogy Việt Nam như vậy cũng là hạnh phúc rồi. Chúng tôi hy vọng với chiến lược vaccine, Việt Nam sẽ kiểm soát được làn sóng dịch lần này để doanh nghiệp du lịch sớm quay trở lại.

Theo VnEconomy

Xem thêm: Doanh nghiệp được hỗ trợ gì từ gói 26.000 tỷ?

 

ĐỌC NHIỀU