Doanh nghiệp cần minh bạch thế nào để tiếp cận được ODA?

14:33 | 30/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN)  - Doanh nghiệp tư nhân muốn vay được ODA phải tuân thủ theo chính sách ODA (đảm bảo tính bền vững, vì lợi ích cộng đồng) và yếu tố cốt lõi của việc đảm bảo đó là tính minh bạch, theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Nguyễn Quang Huân.
Doanh nghiệp cần minh bạch thế nào để tiếp cận được ODA? - ảnh 1
Doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA. Nguồn: Internet.  
 Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có nội dung khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA.

Theo đó, khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và phần vốn này tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn ODA là một chặng đường không dễ đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân hiện nay.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM (Công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam ký cam kết thực hiện tuân thủ chính sách liêm chính của WB và cũng là công ty có đa phần các dự án tham gia được tiếp cận ODA  từ các tổ chức quốc tế) nhấn mạnh: Doanh nghiệp tư nhân muốn tiếp cận vốn ODA thì vấn đề minh bạch phải là yếu tố cốt lõi.

Doanh nghiệp cần minh bạch thế nào để tiếp cận được ODA? - ảnh 2
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).
 Doanh nghiệp tư nhân muốn vay được ODA phải tuân thủ theo chính sách ODA - đảm bảo tính bền vững, vì lợi ích cộng đồng. Khi đã có một dòng vốn ODA đổ vào (dù một phần hay toàn phần) thì dự án đó phải làm theo quy trình của ODA. Doanh nghiệp tư nhân nếu không chứng minh được việc tham gia dự án sẽ sinh lời, sẽ phải đảm bảo tính minh bạch - liêm chính thì không nằm trong diện tiếp cận ODA.

Để trở thành minh bạch thì doanh nghiệp cần phải được đào tạo và huấn luyện. Đơn cử như tại HALCOM, cho dù công ty đã ký cam kết thực hiện tuân thủ chính sách liêm chính của WB nhiều năm và yếu tố cốt lõi minh bạch - liêm chính đã được ngấm vào máu của từng cán bộ, nhân viên nhưng 6 tháng một lần, công ty vẫn thuê riêng một chuyên gia người Mỹ đào tạo, tập huấn cho mọi thành viên (cả cũ và mới) của công ty. HALCOM cũng có cả Giám đốc về liêm chính.

Ông Huân giải thích: Minh bạch không đơn thuần chỉ là thu được bao nhiêu tiền, mà phải là: Doanh nghiệp thu dòng tiền này để làm gì, thu từ đâu, đi về đâu và chi bao nhiêu, vào việc gì.

“Khi minh bạch thì sẽ làm cho tất cả mọi cái rõ ràng. Cuộc chơi nào càng rõ ràng thì càng có nhiều người chơi và được chơi”, ông Huân chia sẻ.