Doanh nghiệp chủ động điều chỉnh đưa hàng lên biên giới phù hợp năng lực thông quan
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận tăng cường nắm bắt và cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc, khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, xuất khẩu thanh long để chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu cũng như thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch. Cùng với đó, tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhất là đợt thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và Rằm tháng Giêng; tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định; đồng thời đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo, đáp ứng thị trường tiêu thụ.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…
Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như lấy mẫu xét nghiệm, phun khử khuẩn trên vỏ bao bì bọc sản phẩm, thùng đựng, phương tiện… các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn... cũng như các yêu cầu khác có liên để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình và phối hợp với các đơn vị liên quan thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo đến doanh nghiệp, hợp tác xã về tình hình xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc./.