Nhập khẩu nguyên liệu tăng trưởng dương trong tháng 1, báo hiệu hoạt động sản xuất sẽ tăng cao

Anh Đào 18:12 | 04/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo vừa phát hành, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nêu ba yếu tố cho thấy xuất khẩu kỳ vọng phục hồi hơn nữa trong năm 2024.

Theo nhóm phân tích, xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện hồi phục nhờ việc ra mắt dòng điện thoại thông minh S24 mới của Samsung vào tháng 1.

Bên cạnh đó, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng trưởng dương trong tháng 1, báo hiệu nhu cầu tích cực cho hoạt động sản xuất tăng cao.

Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện ở một số thị trường xuất khẩu trong những tháng gần đây, với PMI sản xuất của Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc trên ngưỡng 50 và PMI sản xuất của khu vực đồng Euro và Nhật Bản tăng so với các tháng trước mặc dù dưới mức 50 trong tháng 1.

 

 

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu duy trì tích cực mặc dù đà tăng trưởng chậm lại trong tháng 1, tăng 6,7% so với tháng trước, với sự tiếp tục phục hồi của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; rau quả và nông sản.

So với cùng kỳ xuất khẩu tăng 42%, lưu ý tháng 1/2024 có số ngày làm việc cao hơn tháng 1 năm ngoái. Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong tháng 1/2024 với 0,38 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1 và ước tính từ là 2,92 tỷ USD trong tháng 1.

Do tháng 1/2024 có nhiều ngày làm việc hơn tháng 1/2023 do kỳ nghỉ lễ Tết, nhóm phân tích cho rằng cần quan sát thêm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm 2024 để đánh giá sự phục hồi của hoạt động sản xuất.

Cụ thể, IIP tháng 1/2024 sụt giảm so với tháng 12/2023, giảm 4,4% so với tháng trước. So với cùng kỳ, IIP tăng 18,3% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã thu hẹp đáng kể mức giảm và chuyển sang tăng trưởng dương (một phần do hiệu ứng số ngày làm việc trong tháng 1), điều này cho thấy sự hồi phục trong sản xuất trong thời gian tới.

Một điểm tích cực là chỉ số PMI đã quay trở lại trên ngưỡng 50 vào đầu năm cho thấy sự cải thiện về sức khỏe của lĩnh vực sản xuất lần đầu tiên trong 5 tháng với số lượng đơn đặt hàng và sản xuất mới cải thiện.

Các chuyên gia tại đây kỳ vọng về sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp vào năm 2024, nhờ xuất khẩu cải thiện ở một số đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và mức giảm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất được thu hẹp. Về phía rủi ro, cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu hơn kỳ vọng và mức tiêu dùng yếu của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.