Xuất siêu kỷ lục: Nỗ lực vượt 'gió ngược' của các ngành hàng tỷ USD
Kết quả xuất siêu kỷ lục được coi là một trong những điểm sáng của hoạt động ngoại thương, bởi ngay từ đầu năm đến nay, hoạt động giao thương quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, trong đó xuất khẩu tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 - với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá chung cho thấy năm 2023, thị trường toàn cầu vẫn nhiều khó khăn, trong đó nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp.
Vì vậy, 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD) là động lực quan trọng giúp thương mại của Việt Nam phục hồi.
Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến thu về 301,56 tỷ USD trong năm vừa qua, trong đó có hai mặt hàng thuộc nhóm xuất khẩu trên 10 tỷ USD đạt tăng trưởng cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cùng với phương tiện vận tải và phụ tùng, với mức tăng lần lượt là 3,3% và 14,6%, đạt lần lượt là 57,34 tỷ USD và 13,74 tỷ USD.
Với kết quả này, năm 2023 xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện, trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong khi đó, đối với ngành dệt may, 2023 cũng là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU… suy giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó các thị trường chính như: Mỹ giảm 19%, EU giảm 14%...
"Nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD, mục tiêu đặt ra và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023," đại diện Hiệp hội Dệt mah Việt Nam (VITAS) thông tin.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy mặc dù nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, song Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản (xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 83 tỷ USD; xuất siêu sang EU ước đạt 29,1 tỷ USD; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,6 tỷ USD).
Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức xuất siêu như: Điện thoại các loại và linh kiện xuất siêu 44,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ xuất siêu 11,24 tỷ USD; thủy sản xuất siêu 6,4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện xuất siêu 5,42 tỷ USD; rau quả xuất siêu 3,62 tỷ USD; dây điện và cáp điện xuất siêu 775 triệu USD; hạt điều xuất siêu 451 triệu USD...
Trong năm vừa qua, xuất khẩu nông sản nổi lên là một điểm sáng nổi bật của cả nước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong năm 2023 ước đạt 32,56 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2022 và là nhóm hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng trong năm.
Tỷ trọng của nhóm hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng lên mức 9,1% so với mức 8,3% của năm 2022. Nhiều mặt hàng ghi nhận những dấu ấn mới, đặc biệt là gạo và rau quả.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong bức tranh xuất khẩu còn khó khăn, nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó xuất khẩu rau quả và gạo là những điểm sáng của lĩnh vực nông nghiệp.
“Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường rất mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước,” ông Trần Thanh Hải nói.
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,1 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD, mức kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, tăng 14% về lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2022. Ngành gạo đã lập kỷ lục xuất khẩu cả về lượng và kim ngạch sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu. Bình quân giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 đạt 580 USD/tấn, tăng 19% so với năm 2022.
Nói thêm về kết quả đạt được, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhìn nhận trong năm 2023 giá gạo tăng và bán được dễ dàng, lợi nhuận bà con trồng lúa tăng lên. Đây là mong muốn của không chỉ riêng nông dân mà của cả xã hội.
Bên cạnh đó, vị thế của quốc gia, của hạt gạo và của nông dân cùng được nâng lên. Ngành lúa gạo Việt Nam đã chuyển dần quyền thương lượng về giá từ người mua sang người bán.
“Có thể nói, năm 2023 với các yếu tố cung cầu, biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt tâm lý người tiêu dùng đã giúp hạt gạo Việt Nam lấy lại đúng vị thế của mình,” ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.
Với mặt hàng rau quả, xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 cũng ghi dấu ấn khi đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp khi thu về gần 5,6 tỷ USD. Kết quả đạt được của năm 2023 đã vượt xa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là năm 2024 sẽ đạt 4,5 tỷ USD và đến năm 2025 là 5 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm. Từ tháng 7/2022, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã tăng tốc. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đạt 420 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
“Trong năm 2024 tới, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả,” ông Đặng Nguyên Phúc nói.
Bước sang 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023. Tuy vậy, nhiều thách thức vẫn còn hiện hữu và khó đoán định, trong khi xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc biệt, các thị trường phát triển như châu Âu chú trọng đến phát triển bền vững, đang đưa ra nhiều quy định mới như cơ chế điều chỉnh carbon, quy định chống phá rừng châu Âu... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Cùng với đó, bộ cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu…/.