Doanh nghiệp dầu khí nào có thể hưởng lợi từ những siêu dự án tỷ USD?

Lê Thị Thu Hà 14:38 | 11/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
SSI Research nhận định GAS và PVS là những công ty hưởng lợi lớn nhất từ siêu dự án như Block B hay các dự án LNG.

Theo báo cáo cập nhật về tiến độ các dự án lớn trong ngành dầu khí của SSI Research, dự án LNG Thị Vải – dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam – đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG trong giai đoạn 1. Với PV GAS (Mã: GAS) đóng vai trò là nhà đầu tư kho chứa và đường ống, Việt Nam có thể nhập khẩu LNG lần đầu tiên vào tháng 11/2022 để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn. LNG sẽ là nguồn nguyên liệu chính cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 dự kiến bắt đầu từ 2023.

Với mỏ Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2A, dòng khí đầu tiên khai thác từ mỏ ở Block 15.1 đã vào bờ ngày 18/6/2021. Mỏ này bao gồm 3 giếng với tổng trữ lượng khí là 5,5 tỷ m3 và 63 triệu thùng condensate sẽ được khai thác từ 2021 - 2025. Hợp đồng thăm dò dầu khí tại Block 15.1 đã được ký kết bởi PetroVietnam, PVEP, Perenco, KNOC, SK, Geopetrol và do Cửu Long JOC vận hành. 

Nguồn khí từ mỏ Sư Tử Trắng - Giai đoạn 2, Sao Vàng - Đại Nguyệt, Thiên Ưng, Đại Hùng được thiết kế để dẫn qua đường ống Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2 với tổng công suất đường ống đạt 7 tỷ m3/năm. Dự kiến Sư Tử Trắng - Giai đoạn 2B sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024 với sản lượng khí hàng năm đạt 2 tỷ m3 trong vòng 10 năm.

Ảnh minh hoạ: PV GAS.

Về Block B, SSI Research cho biết một số tín hiệu cho thấy Chính phủ vẫn ưu tiên siêu dự án này. Một trong những động thái tích cực là tài trợ dự án Nhà máy điện Ô Môn III qua nguồn vốn ODA, theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2020. Quyết định tài trợ dự án nhà máy điện này có thể mở đường cho dự án Block B và Ô Môn nhận quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối năm 2022. 

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng dự án sẽ khởi công trong 2022 - 2023 để cho dòng khí đầu tiên vào 2025. Tổng vốn đầu tư là 10 tỷ USD, trong đó giá trị backlog mảng EPC là 4,6 tỷ USD. 

Ở khâu thượng nguồn có 911 giếng khai thác, 1 giàn xử lý trung tâm, 1 giàn nhà ở, 52 giàn đầu giếng và 1 tàu FSO. Đường ống ngoài khơi và trên bờ tương ứng dài 292 km và 102 km. Có 4 nhà máy điện khí bao gồm Ô Môn 1 (660 MW), Ô Môn 2,3,4 (3x1050 MW). Theo đánh giá, GAS, PVD và PVS là những công ty hưởng lợi từ siêu dự án từ 2023 theo quan điểm của SSI Research.

Về các dự án LNG, theo quy hoạch ngành công nghiệp khí đến năm 2035, nhu cầu tiêu thụ khí ở Việt Nam sẽ đạt 23 - 31 tỷ m3, trong đó nguồn cung khí thiên nhiên là khoảng 17 - 21 tỷ m3, phần còn lại sẽ được đáp ứng bằng LNG nhập khẩu. 

Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ trọng nguồn điện khí để đạt được mục tiêu giảm khí thải. Trong dự thảo quy hoạch điện VIII được công bố vào tháng 11/2021, công suất điện khí sẽ được nâng lên gần 55 GW trong năm 2035 (trong đó điện khí từ LNG là 40 GW), tăng rất mạnh so với tổng công suất điện khí ở mức hiện tại là 9 GW vào cuối năm 2021. 

SSI Research nhận định GAS và PVS sẽ là các công ty được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư vào các khu phức hợp LNG.