Ngành nghề nào 'đón sóng' phục hồi trong quý III?
Kinh tế thế giới đã có nhiều điểm sáng
Mới đây, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã công bố báo cáo nghiên cứu, đánh giá về kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023 và năm 2024. Theo đó, nhóm chuyên gia nhận định trong 9 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm khi các khó khăn, thách thức lớn vẫn hiện hữu; lạm phát tuy đã giảm đáng kể song còn cao khiến nhiều nước vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, neo lãi suất ở mức cao nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát.
Những điểm sáng của kinh tế thế giới bao gồm: lĩnh vực dịch vụ tăng khá và trở thành động lực tăng trưởng chính của nhiều nước; kinh tế Mỹ không suy thoái như những lo ngại hồi đầu năm mà vẫn đạt mức tăng trưởng dương (1,1% năm 2023 theo WB); lạm phát hạ nhiệt rõ rệt (dù vẫn ở mức cao so với mục tiêu của hầu hết các nước); giá năng lượng biến động nhưng ổn định hơn so với năm trước, giá hàng hoá cơ bản ổn định; thị trường tài chính quốc tế dần ổn định (dù xảy ra một số vụ phá sản một số ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ,…).
Tuy nhiên, kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: tác động tiêu cực từ xung đột kéo dài, khó lường tại Ukraina; lạm phát, lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn cao và có thể kéo dài hơn dự kiến, gia tăng áp lực trả nợ của hộ gia đình, DN và Chính phủ, trong khi mức nợ tăng cao trong 3 năm qua…; Rủi ro tài chính, tiền tệ (bao gồm cả rủi ro vỡ nợ ở một số quốc gia kém phát triển) còn ở mức cao; kinh tế EU và Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự kiến, thậm chí đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong trung hạn; biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan tác động xấu tới các hoạt động kinh tế - xã hội, cản trở đà phục hồi kinh tế…
Tại Việt Nam, trong phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng trên kênh tín phiếu không phải là một tín hiệu đảo chiều chính sách khi tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp (tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2023 là 4,24%) và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng rõ ràng là không gian để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tương đối hạn chế, và điều này không phải là thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.
Trên thực tế, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của thanh khoản toàn thị trường. Đặc biệt dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua – BĐS, CK, xây dựng (đầu tư công) – đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Do đó, xu hướng tăng điểm diện rộng của thị trường trên hiệu ứng chính sách từ tháng 5 sẽ dần nhường chỗ cho trạng thái dao động với xu hướng đi ngang.
Trong tháng 10, VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 – 1.180, tương ứng với vùng định giá P/E trong khoảng 13,2x-14,2x và tỷ suất sinh lời hàm ý là 7,0%-7,6%, hấp dẫn hơn tương đối so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện dưới 6%.
Những nhóm ngành có KQKD tích cực trong quý III
Đội ngũ phân tích cho rằng diễn biến thị trường sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, VDSC nhận thấy thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kinh doanh lạc quan trên diện rộng.
Trong quý III, VDSC dự báo lợi nhuận của đa phần các nhóm ngành sẽ ghi nhận sự cải thiện so với quý II, xu hướng có phần tương đồng với diễn biến phục hồi của các hoạt động kinh tế và thương mại theo số liệu của GSO.
Xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực ở mức hai chữ số trong quý III.
Ở chiều ngược lại, các ngành thủy sản, BĐS, phân bón, bán lẻ, điện dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ cải thiện so với quý trước, mức độ cải thiện vẫn sẽ khá hạn chế.
Do đó, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường là không lớn trong mùa báo cáo quý này. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả năng cao sẽ tích cực hơn trong quý IV do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như ngân hàng, thép, hàng tiêu dùng, BĐS và chứng khoán.
Riêng với ngành ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Trong bối cảnh hiện tại, nhóm phân tích cho rằng những ngân hàng có lợi thế về vốn, tập khách hàng ít bị tổn thương bởi kinh tế suy yếu và bộ đệm dự phòng cao sẽ là những ngân hàng có khả năng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng sớm nhất.
Dù vậy, VDSC đánh giá mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, do đó nhà đầu tư cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành.