Ba Lan và các nước Baltic khánh thành đường ống khí đốt mới

Lê Thị Xuân Phương 21:07 | 06/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, Ba Lan và các nước Baltic đã đưa vào sử dụng đường ống khí đốt có công suất 2 tỷ mét khối mỗi năm.

Đường ống khí đốt kết nối Ba Lan và Lithuania (GIPL) đã được khánh thành vào ngày 5/5 trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga của toàn châu Âu. 

Việc khánh thành đường ống này có ý nghĩa thúc đẩy an ninh năng lượng trong khu vực châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. 

Hệ thống cho phép khí đốt hóa lỏng LNG từ các nước Baltic và Phần Lan đưa vào thị trường Ba Lan. Nhờ liên kết hiện có trong khu vực, Latvia, Estonia và Phần Lan cũng có thể tiếp cận đường ống này. 

Dự án củng cố khả năng độc lập về năng lượng của khu vực, tăng cường khả năng sử dụng bến Klaipėda LNG ở Lithuania và bến Świnoujście LNG ở Ba Lan.

Đường ống Khí đốt Liên Kết Ba Lan - Litva (GIPL). Ảnh: EC

Đường ống dài 508 km, bắt đầu đưa những dòng chảy dầu đầu tiên vào ngày 1/5. Công suất vận chuyển khí đốt từ Litva đến Ba Lan dự kiến đạt 1,9 tỷ mét khối mỗi năm trong 5 tháng tới và công suất vận chuyển từ Ba Lan đến Lithuania sẽ là 2 tỷ mét khối mỗi năm. 

Tham dự buổi lễ khánh thành đường ống GIPL, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết: "Đường ống này là một bước quan trọng nữa giúp Ba Lan hội nhập hoàn toàn vào thị trường năng lượng nội bộ của Liên minh Châu Âu, đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi sự phụ khí đốt của Nga. Điều này càng trở nên quan trọng hơn sau khi Nga cắt khí đốt đối với Ba Lan và các nước Baltic quyết định không nhập khẩu khí đốt của Nga". 

Các quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia vào cuối tháng 4 cũng đã thông báo ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ sử dụng nguồn dự trữ của họ.

Trước đó, vào ngày 4/5, Ủy ban châu Âu  đã đưa đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 đối với Điện Kremlin, bao gồm việc cắt bỏ hoàn toàn dầu thô nhập khẩu từ Nga trong 6 tháng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng rời bỏ nguồn cung dầu Nga là điều không dễ dàng. “Một số quốc gia thành viên EU phụ thuộc đáng kể vào dầu mỏ của Nga. Nhưng chúng tôi nhận thấy lệnh cấm vận là cần thiết. Chúng tôi đề xuất ngừng nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển và đường ống, bao gồm cả dầu thô và tinh chế của Nga ”, bà Ursula von der Leyen nói. 

Sự phụ thuộc đáng kể của nhiều nước châu Âu vào dầu thô của Nga đã khiến lệnh cấm vận dầu của Nga trở thành chủ đề gây tranh cãi lớn trong khối khi các Chính phủ quan ngại hệ lụy từ lệnh cấm có thể tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế châu Âu và thế giới.

Châu Âu đang nỗ lực tìm các nguồn cung thay thế để từng bước giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga nhằm thực hiện gói trừng phạt đối với nước ngày liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine.