Doanh nghiệp nào đang sở hữu tiền mặt nhiều nhất sàn chứng khoán?

Trang Mai 15:07 | 19/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết thúc kỳ công bố báo cáo tài chính năm 2023, bên cạnh những con số về doanh thu và lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp còn gây ấn tượng khi sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới hàng chục nghìn tỷ.

Theo thống kê của phóng viên, tại thời điểm ngày 31/12/2023 có tổng cộng 20 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) nắm giữ lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (gọi chung là tiền mặt vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, trong đó 11/20 đơn vị trên 20.000 tỷ. Nổi bật trong nhóm này là các doanh nghiệp dầu khí, bất động sản, vật liệu xây dựng,...

 Đa phần các doanh nghiệp tăng lượng tiền mặt, tiền gửi so với đầu năm (Tỷ đồng). Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Đứng đầu trong số các doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất năm 2023 là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã: GAS). Đến hết năm 2023, doanh nghiệp này có gần 41.000 tỷ tiền mặt (gần 1,7 tỷ USD), tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm và tiếp tục tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi cuối quý III/2023. 

Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, lưu trữ, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh khí và các sản phẩm khí, kinh doanh của PV Gas có tính thanh khoản cao, do đó có lượng tiền mặt gửi ngân hàng đều đặn mỗi quý. Tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này đã mang về hơn 2.000 tỷ tiền lãi, tương đương 5,5 tỷ đồng mỗi ngày. Lượng tiền này hỗ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh trong năm 2023 khi chiếm tới hơn 17% lợi nhuận sau thuế.

Một đơn vị khác cũng trong lĩnh vực dầu khí sở hữu tới 38.100 tỷ đồng tiền mặt tính đến hết quý IV/2023 là Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR). Lượng tiền này đã tăng 1.630 tỷ đồng so với cuối quý III/2023 và tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với số đầu năm. 

Năm 2023, lượng tiền gửi đã mang về 1.600 tỷ tiền lãi cho BSR, tăng hơn 690 tỷ so với năm 2022. 

Không chỉ có tiền từ gửi lãi, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) ghi nhận lượng tiền mặt tăng mạnh 60% so với đầu năm, lên gần 30.000 tỷ đồng sau khi thoái vốn khỏi PGBank. Cụ thể, công ty thu về 2.740 tỷ đồng doanh thu tài chính trong năm 2023, tăng 27% so với cùng kỳ; trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay là 1.173 tỷ đồng và các khoản thu tài chính khác. 

Ngoài ra, PV OIL (mã: OIL), PTSC (mã: PVS) cũng là 2 đơn vị trong lĩnh vực dầu khí sở hữu lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ tính đến hết năm 2023. 

Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) của tỷ phú Phạm nhật Vượng “bất ngờ” sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi hơn 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm và đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp đang “nhiều tiền” nhất trên sàn. Con số này đã tăng 2.000 tỷ so với đầu năm và tăng vọt hơn 10.000 tỷ chỉ sau một quý. 

Tuy nhiên, Vingroup cũng ghi nhận số nợ vay tài chính tăng 19.836 tỷ đồng lên mức 213.312 tỷ đồng, tức tăng gần 16 lần. Như vậy có thể thấy lượng tiền mặt của VIC tăng phần lớn đến từ việc tăng vay nợ. 

Số lãi tiền gửi của công ty nhận về trong năm 2023 là khoảng hơn 570 tỷ đồng, trong khi phải trả hơn 4.500 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Nằm trong top doanh nghiệp vật liệu xây dựng lớn nhất trên sàn chứng khoán, Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) có tới hơn 34.400 tỷ tiền mặt trong năm 2023, góp phần giúp doanh thu tài chính đạt mức 3.173 tỷ đồng. 

Ngược lại, chi phí tài chính lớn hơn rất nhiều, ở mức gần 5.200 tỷ đồng; riêng lãi vay chiếm gần 3.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động.

Nợ vay "khổng lồ" chính là nguyên nhân khiến Hòa Phát phải “gánh” trung bình 10 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày. Số dư nợ vay tài chính của công ty lên đến gần 65.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, chiếm gần 35% tổng tài sản. Con số này tăng hơn 7.500 tỷ đồng so với đầu năm và là mức cao nhất trong vòng 5 quý.

 

Trong lĩnh vực bán lẻ điện máy và thiết bị công nghệ, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) và Tập đoàn FPT (mã: FPT) đều có lượng tiền mặt trên 20.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, MWG đang có hơn 24.300 tỷ đến hết năm 2023, tăng hơn 9.000 tỷ so với đầu năm. MWG gia tăng nắm giữ tiền mặt trong bối cảnh hai chuỗi bán lẻ Thế giới di động, Điện máy xanh gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu và cạnh tranh gay gắt. Nhờ vậy này mà doanh thu tài chính cả năm 2023 của công ty lên tới 2.166 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2022. Trừ đi chi phí tài chính 1.556 tỷ đồng, MWG có lãi thuần hơn 600 tỷ đồng từ mảng này. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng giúp MWG thoát lỗ trong năm ngoái. 

Còn FPT ghi nhận số dư tiền mặt ở thời điểm cuối năm 2023 là 24.383 tỷ đồng, tăng gần 4.900 tỷ đồng trong một năm. Lãi tiền gửi ghi nhận trong năm 2023 hơn 1.648 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Chi phí lãi vay ở mức 832 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp F&B cũng thường xuyên sở hữu lượng tiền mặt trên chục nghìn tỷ như Vinamilk (mã: VNM), Sabeco (mã: SAB). Những đơn vị này thu đều thu về hơn nghìn tỷ tiền lãi, trong khi chi phí lãi vay chỉ chiếm một phần khá nhỏ. 

Lượng tiền gửi vào ngân hàng năm 2023 cao nhất lịch sử

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 13,2% so với cuối năm 2022), là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Như vậy, trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây, riêng quý IV tăng trên 800.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.