Doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng, tiếp tục gỡ khó chính sách
96.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm nay là khoảng 218.000 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173.200 doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp cần được tăng tốc hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 6/12, trong tháng 11/2024, Việt Nam có gần 11.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 21,3% so với tháng 10 và giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với dữ liệu tháng 10/2024 (tăng 26,5% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ) có thể thấy, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 giảm mạnh. Cùng với số doanh nghiệp giảm, vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp trong tháng 11/2024 cũng giảm 9,8% so với tháng trước và giảm 27,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, phía Tổng cục Thống kê cho biết: Việt Nam còn có hơn 7.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, với mức giảm trong tháng 11, số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua đã giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ (thay vì tăng 1,9% như tháng trước) với 147.200 doanh nghiệp. Trong khi đó, vốn đăng ký tương đương với cùng kỳ năm 2023 (1.450,6 nghìn tỷ đồng) và giảm 8,0% về số lao động so với cùng kỳ năm trước (905,7 nghìn lao động).
Trong tháng 11/2024, có 4.243 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 22,2% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; 7.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,2% và tăng 14,4%; có 1.910 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,9% và tăng 14,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96.200 doanh nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9%; gần 19.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%.
Giảm áp lực chi phí, “hóa giải” khó khăn về thủ tục hành chính
Theo đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đơn hàng, dòng tiền, thông tin thị trường, tiếp cận vốn vay... vẫn là những khó khăn được “gọi tên”. Đối với các thách thức lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh nửa đầu năm 2025, đại diện Ban IV cho rằng: Các vấn đề được “gọi tên” không mới nhưng có thay đổi về thứ tự gồm: Về đơn hàng (56,1%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (47%); thủ tục hành chính (44,4%); về dòng tiền (37,7%); thông tin thị trường (31,7%); tiếp cận vốn vay (30,8%).
Theo đó, vẫn có nhiều biến số trong khi nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do COVID-19, lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: Vướng mắc phổ biến nhất hiện của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. "Riêng dự án của chúng tôi có 177 bước, qua 360 ngày mới đủ để đối thoại, để cưỡng chế. Thủ tục giải phóng mặt bằng là gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản phải chịu đựng", ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.
Đối với thủ tục hành chính, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, có dự án cần tới 38 - 40 con dấu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian; đồng thời nên có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính,
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) từng nhấn mạnh: Vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong Top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhận định.
Vì vậy theo Ban IV, sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là biện pháp quan trọng hàng đầu để vun đắp niềm tin cho người dân và doanh nghiệp và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở để đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi. Các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi.
"Về định hướng chính sách, Thủ tướng Chính phủ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn “hiện hữu” mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Bên cạnh việc Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo…", đại diện Ban IV đề xuất. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng cần chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy mạnh các cơ chế hợp lực công – tư; đồng thời có các nghiên cứu, đánh giá về một số sáng kiến mang tính đột phá cho Việt Nam để chuyển đổi nền kinh tế sang xanh.