Doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng ra sao về tình hình kinh doanh năm nay?
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét theo cơ cấu mặt hàng, xuất khẩu cua ghẹ đang là “tâm điểm” của tăng trưởng với mức tăng mạnh 76%. Theo sau là cá ngừ với mức tăng khả quan 22%; nhuyễn thể với mức tăng ổn định 13%. Cuối cùng là tôm và cá tra với mức tăng lần lượt 7% và 4%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá đang giảm lần lượt 1% và 4% so với cùng kỳ.
Xét theo cơ cấu thị trường, trong top 5 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất thì chỉ có Nhật Bản giảm nhẹ 2%. Các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,... đều tăng trưởng từ 2-8%.
Tại Hội nghị toàn thể Hội viên năm 2024 tổ chức ngày 10/6 mới đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep đánh giá, các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ là chỉ báo cho thấy sự phục hồi của ngành thuỷ sản so với năm 2023.
Tương tự nhận định của ông Hòe, các doanh nghiệp trong ngành tại các cuộc họp ĐHĐCĐ đầu năm 2024 đều nhìn nhận dù có những bước tiến chậm trong những tháng đầu năm, nhưng thị trường đã có triển vọng tốt hơn, lượng hàng tồn kho giảm nên đã có nhiều đơn hàng mới.
Điển hình như với doanh nghiệp kinh doanh cá tra, bộ đôi “vua” và “nữ hoàng” CTCP Nam Việt (Navico, mã: ANV) và CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã lên cho mình những kịch bản kinh doanh với kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng đáng kể. Hay với ngành tôm, CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã: MPC) vừa thông qua kế hoạch năm 2024 cao nhất lịch sử. Trong khi đó, “ông lớn” xuất khẩu tôm là CTCP Camimex Group (mã: CMX) đang thể hiện rõ tham vọng lấn sân sang ngành cá.
Nhưng vẫn có những đơn vị vẫn còn thận trọng khi lên nhiều kịch bản trước những diễn biến thị trường.
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra tham vọng...
Năm nay, Minh Phú đặt kế hoạch kinh doanh cao nhất lịch sử, với sản lượng 70.000 tấn, doanh thu 18.569 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.266 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến từ 50% đến 70%. Kế hoạch này được đánh giá là có phần “quá sức”, bởi lẽ doanh nghiệp này vừa lỗ tới hơn 100 tỷ trong năm 2023, và lãi quý I chỉ vỏn vẹn 7 tỷ đồng.
Đặt trong bối cảnh toàn ngành, trong thị trường tôm toàn thế giới, tôm Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh không hề nhỏ từ phía Ecuador khi giá tôm của nước bạn chỉ bằng 1/2 giá tôm của Việt Nam.
Chưa kể, giá tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm qua bị giảm một cách đột ngột do ảnh hưởng gián tiếp từ lãi suất cao của FED. Người dân Mỹ tiết kiệm chi tiêu và hạn chế cho các mặt hàng có giá thành cao.
Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, ông Lê Văn Quang, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú nhận định, tình hình kinh doanh nửa đầu năm vẫn chưa ghi nhận khả quan, thực hiện còn cách xa kế hoạch. Tuy sản xuất tăng nhưng xuất khẩu đang kém, ảnh hưởng từ việc Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc, khiến Trung Quốc “lấy” hết tàu, container về nước. Điều này được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt qua tháng 7, từ đó giúp cải thiện tình hình xuất khẩu của công ty.
Để giải quyết bài toán về con giống, Công ty đã thử nghiệm phương pháp nuôi mới từ năm 2022 và ghi nhận thành công. Theo đó, chi phí hóa chất giảm 95%, tiền điện giảm 50-70%, tiền thức ăn giảm trên 30%.
Nói rõ hơn về lợi ích, công nghệ mới giúp hiệu quả cao, chi phí thấp, con tôm lại màu “rất đẹp”, bán được mặt hàng rất được thị trường ưa chuộng. Công ty sẽ đưa ra sản phẩm tôm Minh Phú BiO 5 trong 1.
Với quy trình mới, sản phẩm mới, phía Minh Phú đã đi giới thiệu đến các khách hàng tại Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc... Từ đó, với nhiều đơn đặt hàng, công ty kỳ vọng có sản lượng trên 70.000 tấn, cùng dự phóng kết quả kinh doanh vượt bậc hơn trước.
Một doanh nghiệp thuỷ sản khác cũng bước vào "đường đua" KQKD 2024 đầy tham vọng là Nam Việt. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu năm 2024 mang về 5.000 tỷ đồng doanh thu và 306 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt vượt 13% và 685% so với thực hiện năm 2023. Với chỉ tiêu trên, HĐQT dự kiến cổ tức dao động 5 -10%.
Công ty cho biết sẽ tích cực đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo môi trường; tìm kiếm thêm các khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện hữu; duy trì năng lực sản xuất và cải thiện kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thuỷ sản để có sản lượng đạt chất lượng tốt, ổn định, giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, Nam Việt dự kiến trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán phát hành thêm 133 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2023.
Nếu thương vụ thành công, vốn điều lệ của "vua cá tra" sẽ tăng gấp đôi, lên mức 2.666 tỷ đồng, vượt qua “nữ hoàng” Vĩnh Hoàn (hiện có vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng).
Một cái tên đáng chú ý khác là Camimex, với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2024 lần lượt 2.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, tương đương tăng 23% và 57% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành, doanh nghiệp sẽ chinh phục mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Không chỉ là lên kế hoạch tăng trưởng mạnh, Camimex năm nay còn quyết tâm lấn sân sang chế biến cá với loạt động thái mạnh tay. Bước đầu trong kế hoạch, Camimex dự kiến mua lại nhà máy chế biến cá của Hùng Vương. Động thái này nhằm giải quyết vấn đề nhà máy chế biến tôm hiện tại không phù hợp để sản xuất cá và việc cải tạo nhà máy tôm để đầu tư máy móc cũng không khả thi. Còn về chế biến, Camimex sẽ nhờ tới sự hỗ trợ của một bên liên quan là Thảo Anh Fish.
Khi được hỏi tại sao đang có nhà máy cho thuê sản xuất tôm nhưng lại đi mua nhà máy khác để chế biến cá, ông Bùi Sĩ Tuấn, Chủ tịch HĐQT Camimex Group cho biết, nhà máy chế biến tôm không phù hợp để phục vụ cho việc chế biến cá.
Việc cải tạo nhà máy tôm, đầu tư máy móc để chuyển qua sản xuất, chế biến cá sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, tại khu vực Cà Mau nhân công đang sản xuất tôm mà chuyển qua sản xuất cá sẽ gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp.
Trong năm nay, Camimex dự kiến chi tới 420 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư. Cụ thể, công ty chi 120 tỷ đồng cho kho lạnh 6.000 tấn và 300 tỷ đồng cho nuôi thủy sản công nghệ cao. Cùng với đó, để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, doanh nghiệp này đã giải thể công ty con Camimex Logistics.
Camimex Group hiện đang vận hành ba nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế đạt hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm.
...Số khác đầy thận trọng
Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất trong 5 tháng đầu năm (theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam), cũng là doanh nghiệp sở hữu nhiều lợi thế như có giá trị khép kín tự chủ gần như toàn phần, giữ vị trí số 1 về xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Vĩnh Hoàn lại tỏ ra vô cùng thận trọng về triển vọng của năm nay.
Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024, doanh nghiệp này đã lên đặt ra 2 kịch bản.
Ở kịch bản cơ bản, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu 10.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 800 tỷ đồng, giảm 12,9% so với thực hiện trong năm 2023.
Ở kịch bản cao, doanh thu dự kiến đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 1.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thực hiện trong năm 2023.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn thời gian gần đây đã có dấu hiệu suy giảm. Kết thúc quý I, mặc dù mang về 2.855 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 189 tỷ đồng, tương ứng giảm 16%.
Bên cạnh đó, "nữ hoàng cá tra" cũng đang phải đối mặt với áp lực cải thiện dòng tiền. Kết thúc quý I, dòng tiền kinh doanh chính của Vĩnh Hoàn tiếp tục âm 250,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 431,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 431,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 553,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tại thời điểm 31/3/2024, Vĩnh Hoàn đang đầu tư hơn 160 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán, và đang phải trích lập dự phòng gần 27 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 16,6% tổng danh mục đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng 26 tỷ cho mã DXS của Đất Xanh Services.
Đánh giá về Vĩnh Hoàn, Chứng khoán DSC cho hay, doanh nghiệp đang có tốc độ hồi phục nhanh hơn so với thị trường chung và có thể điều chỉnh giá bán ở mức 5-10% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ vô hiệu hóa lợi thế thuế POR 0% của Vĩnh Hoà, khiến giá bán có thể tăng chậm hơn trước sự cạnh tranh của các đối thủ mới gia nhập thị trường.