Doanh nghiệp tư nhân đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh, sáng tạo hơn

07:24 | 16/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Việt Nam tại Diễn đàn “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019”, sáng 15/3.

Doanh nghiệp tư nhân đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh, sáng tạo hơn - ảnh 1
Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019”.
Cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu

Dưới góc nhìn của một doanh nhân, đồng thời cũng là thành viên trong Ban lãnh đạo của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, ông Huân nhận định Việt Nam là một trong những nước có nền chính trị ổn định nhất thế giới hiện nay. Uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, được thế giới thừa nhận, đặc biệt là sau khi Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC 2018 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều cuối tháng 2 vừa qua.

Đây chính là tiền đề sán lạn, là động lực quan trọng để các doanh nghiệp trong nước có thể đề ra chiến lược kinh doanh ổn định trong thời gian dài và mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ. Điều này phải bắt nguồn từ những việc nhỏ hằng ngày tại doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp liêm chính thì toàn nền kinh tế sẽ minh bạch, công bằng. Để xây dựng một chính phủ liêm chính thì không thể không có một xã hội liêm chính, đặc biệt các tế bào của nền kinh tế là các doanh nghiệp càng cần phải liêm chính. Liêm chính là yếu tố quan trọng để hội nhập quốc tế và phát triển doanh nghiệp.

Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP và EVFTA và đã phát huy tác dụng. Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, trao đổi công nghệ và phương thức quản lý kinh doanh mới, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, từ đó có thể giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp và xuất khẩu nguyên vật liệu thô của nền kinh tế.

“Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng đứng trước cơ hội lớn học hỏi, đổi mới để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và cạnh tranh năng động hơn”, ông Huân nhấn mạnh.

Ông cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mở ra cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu trong trung hạn. Để tận dụng cơ hội này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp, có cơ chế kiểm soát, phân biệt giữa “đầu tư tránh thuế” với đầu tư thực sự; đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng cần minh bạch, trung thực trong quá trình tiếp nhận chuyển dịch đầu tư theo sự sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đảng và Nhà nước ta tiếp tục thực hiện nhất quán phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế. Được biết, năm 2019 Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra một số ngành, địa phương về việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Các cấp, các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như về vốn, đất đai… để kinh tế tư nhân phát triển. Đây là cơ hội về chính sách vĩ mô dành cho các doanh nghiệp tư nhân.

Đối mặt không ít thách thức

Ông Huân nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội đã nêu trên thì thách thức mà doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt cũng không ít.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa bảo hộ lan rộng bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thu hẹp thị trường xuất khẩu hoặc sẽ làm cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.

Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, biến động và mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ gây sức ép nhất định lên tỉ giá VND, làm cho chi phí sản xuất, xuất khẩu tăng cao do giảm các lợi thế so sánh. Sức ép về tỉ giá có thể tăng lãi suất tiền đồng làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp.

Thêm nữa, việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội chưa nghiêm, làm chậm quá trình và làm giảm hiệu quả việc thực thi các quyết sách của Đảng và Chính phủ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ sức bứt phá trong quá trình cạnh tranh với các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải tiếp tục vật lộn với nạn tham nhũng và sự thiếu bình đẳng mà không chắc chắn rằng khi nào thì sẽ được kinh doanh trong một môi trường tương tự như ở các nước đang dẫn đầu khu vực.

Tuy đã có tiến bộ trong cải cách hành chính, nhưng bộ máy vẫn còn quan liêu, cộng với một vài nơi còn có những cán bộ công chức yếu kém, vụ lợi làm thui chột cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh, sáng tạo hơn - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nhỏ, vừa và kinh tế hộ gia đình nên ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực nhất là đất đai và tài nguyên khác, do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa nên nguồn lực dành cho các doanh nghiệp tư nhân chậm được khai thông. Tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ dẫn đến bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi thực hiện gia nhập WTO hàng thập kỷ qua. Thời gian tới, tình trạng này vẫn khó được cải thiện trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết trong những hiệp định FTA thế hệ mới.

Sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngành, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn. Việc thực hiện các cam kết sâu rộng và cao hơn, nhất là vấn đề lao động, việc làm, bảo vệ môi trường... đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết nếu không được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, có lộ trình và bước đi phù hợp, sẽ tác động tiêu cực đến quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Tự mình vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững

Từ những thời cơ và thách thức ở trên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần phải nhìn nhận đầy đủ và tự mình vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững trên thị trường, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, khu vực tư nhân với 1 triệu doanh nghiệp đóng góp 48-49% GDP, chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội như Nghị quyết 35 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã xác định.

Ông Huân cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân phải xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ, dựa trên cơ sở nghiên cứu phân tích điểm mạnh – điểm yếu, cơ hội – thách thức (SWOT) mà điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, thị trường, phương thức kinh doanh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao khả năng thích ứng với thị trường.

Doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ và thực hành đúng chân lý: Con người có trình độ công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến là yếu tố quyết định thành bại trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay. “Con người” ở đây không chỉ gồm đội ngũ lao động trong doanh nghiệp mà cả những người hoạt động trong các hiệp hội doanh nghiệp, trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, dịch vụ như thông tin, tư vấn, đào tạo, nghiên cứu thị trường... những tầng lớp mới nảy sinh từ công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế.

Cùng với đó, đề cao văn hoá doanh nghiệp trong kinh doanh, xây dựng truyền thống và uy tín của doanh nghiệp, trước hết bằng việc kinh doanh đúng pháp luật và tôn trọng lợi ích các bên. Mỗi doanh nghiệp cần phải có triết lý kinh doanh, tuyên bố sứ mệnh và xác định giá trị cốt lõi để hình thành nên văn hóa của riêng mình và kiên định duy trì và phát triển văn hóa đó.

Doanh nghiệp phải coi trọng khoa học quản trị. Các chương trình về liêm chính sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh khi mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến từ các nước phát triển muốn vào làm ăn tại Việt Nam hay là khi chúng ta muốn xuất khẩu hoặc đầu tư nhiều hơn vào các thị trường “khó tính”.

Trong bối cảnh hội nhập và hợp tác đa phương hiện nay, việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhân tố không chỉ đảm bảo cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận tri thức v.v….

Bản thân các doanh nghiệp – doanh nhân thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy hết năng lực, tài lực và khả năng sáng tạo của mình thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ.