Doanh nghiệp tư nhân sẽ là cú huých để phát triển kinh tế cảng biển

15:18 | 31/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiện nay, cả nước đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn. Hằng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước…

Tuy nhiên, để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam xứng tầm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Sự kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa vẫn còn những bất cập; quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch dân cư - đô thị, quy hoạch lao động... chưa có sự đồng bộ…

Tại tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, đánh giá về vai trò của cảng biển trong sự phát triển kinh tế xã hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Việt Nam luôn đặt vai trò cảng biển là động lực của sự phát triển kinh tế biển. Do đó, ngay từ những năm đầu của hội nhập kinh tế, hệ thống cảng biển là mấu chốt để giúp phát triển. Theo thống kê, Việt Nam có 45 cảng biển, nhưng ít cảng biển đúng nghĩa mà chủ yếu nhiều bến hơn.

Doanh nghiệp tư nhân sẽ là cú huých để phát triển kinh tế cảng biển - ảnh 1
Một góc của cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận: Ở nước ta đã có những cảng biển lớn, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm gì để khai thác, tận dụng những lợi thế đó? Bởi nếu không có các yếu tố khác đi kèm để khai thác các tiềm năng tự nhiên sẵn có, thì chắc chắn chúng ta vẫn sẽ nghèo về kinh tế biển. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiềm năng tự nhiên sẵn có là rất lớn nhưng việc chuyển lợi thế đó thành tầm nhìn chiến lược nhằm phát huy tối đa các cảng biển để phát triển kinh tế thì vẫn còn hạn chế.
Đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, cảng biển đã hậu thuẫn cho công nghiệp phát triển mạnh, thuận lợi. Nhưng đối với khu vực miền Trung thì “hậu phương” về công nghiệp còn kém, do đó sự phát triển kinh tế cảng biển cũng bị hạn chế. Đặc biệt, vùng Tây Nam Bộ là vùng trọng điểm lúa gạo, khả năng xuất nhập khẩu nông sản lớn, cần phải tận dụng hết những lợi thế cảng biển để phát triển. Do đó, để các cảng có thể hoạt động một cách hiệu quả, cần nhìn rõ các tiềm năng lợi thế phải gắn liền với phát triển các yếu tố khác đảm bảo cho cảng hoạt động, ngoài điều kiện tự nhiên.
Tuy nhiên, trên thực tế cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng, vì hiện tại công nghiệp vẫn còn thô sơ, do vậy lợi ích kinh tế vẫn thấp. Ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ.
Doanh nghiệp tư nhân sẽ là cú huých để phát triển kinh tế cảng biển - ảnh 2
 PGS.TS Trần Đình Thiên.

Bên cạnh đó, các cảng du lịch của Việt Nam còn bị lu mờ. Do đó, trong tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia cần đề cao việc phát triển các cảng biển du lịch nhằm phát huy hết công năng của các cảng này. Ngoài ra, đối với các vùng kinh tế trọng điểm thì mỗi nơi có một đặc điểm riêng. Do đó, cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển.

Mặt khác, ông Thiên cho rằng, trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương không đủ cho nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển một cách đồng bộ lên quy mô hiện đại. Đầu tư từ bên ngoài lại bị hạn chế vì thiếu cơ chế quản lý đảm bảo lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư trong một thị trường cạnh tranh nhỏ lẻ, tự phát, xin cho, giảm giá đầy rủi ro... Vì vậy, để có thể phát triển kinh tế cảng biển, đầu tiên ta phải từ bỏ cách làm từ trước đến nay trong cách tái cơ cấu, phân bổ nguồn lực… phải thay đổi và chuyển sang theo hướng cơ chế thị trường. Mặt khác, cách tiếp cận cơ chế phải thay đổi.

Đối với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, ông Thiên cho rằng, cần có một tầm nhìn ổn định, dài hạn sao cho phù hợp với những biến đổi kinh tế một cách hợp lý nhất. Thực tế, những năm qua chúng ta chưa có sự đầu tư đủ lớn nào để tạo cú huých phát triển kinh tế cảng biển. Hiện nay, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế cần phối hợp Nhà nước và tư nhân để tạo ra nguồn lực tổng hợp đủ mạnh. Trong đó, Nhà nước phải tạo ra luật chơi và doanh nghiệp tư nhân là người chơi, phải tạo điều kiện sao cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh hơn. Đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới…

Cùng với đó, ông Thiên cũng chỉ ra hiệu quả trong huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân bằng việc Sun Group làm sân bay Vân Đồn đã chứng minh việc các tập đoàn tư nhân của Việt Nam có thể làm được nhiều dự án lớn.