Doanh nghiệp và doanh nhân không đơn độc trong “cuộc chiến” chống Covid
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của dịch bệnh, thời gian qua Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó có một số gói cơ bản như: Gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội; 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt, tuy vậy, cũng còn bộ phận chính sách được thiết kế chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống.
Chính sách hỗ trợ tài khóa của Chính phủ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp
Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19 tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, địa bàn khó khăn.
Đây là nhóm doanh nghiệp yếu thế đang chịu thiệt thòi. Do khó khăn về nguồn lực, nhóm doanh nghiệp này thường gặp khó khăn nhất là việc nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, để từ đó tận dụng được các cơ hội nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.
Tín hiệu tích cực là trong “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Đơn cử gần đây nhất là việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.
Đánh giá về những chính sách của Chính phủ Việt Nam, ông Thomas Mc. Clelland - Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Eurocham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế trong năm qua, khi doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 là hết sức tích cực.
Theo ông Thomas Mc. Clelland, những chính sách như: giãn thuế cho các doanh nghiệp, giảm thuế TNDN ở mức 30% đối với doanh nghiệp có doanh thu đến năm 2020 dưới 200 tỷ đồng, được khấu trừ thuế đối với các khoản chi cho Covid-19, tăng giảm trừ người phụ thuộc và giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân..., đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ hữu ích cho doanh nghiệp trong việc giải tỏa gánh nặng tài chính trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động dù được cho là khó tiếp cận, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. 75% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thật sự hữu ích.
Giữ và bảo vệ sức khỏe người lao động
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng không tăng thuế, không ban hành thêm những sắc thuế là không làm tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Theo ông Thiên, ngoài những gói hỗ trợ doanh nghiệp, việc ổn định môi trường chính sách trong thời điểm này là yêu cầu bắt buộc để giúp doanh nghiệp có thể tiên liệu được.
Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Theo dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.
Trong tình hình hiện nay, khả năng sẽ tiếp tục có thêm nhiều lao động phải nghỉ việc. Theo cảnh báo của TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới kéo cả hệ thống đi xuống. Nhằm làm chậm và giảm cú sốc từ khủng hoảng việc làm, mục tiêu quan trọng ở thời điểm này là làm thế nào để duy trì việc làm.
Theo đó, cần phải hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Để làm được điều này, cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động, giữa cả hai bên với cơ quan chức năng để tìm được hướng điều chỉnh từng bước đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.
Theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, khảo sát ở một số nơi cho thấy số người lao động bị tạm dừng làm việc từ một tháng trở lên chiếm 25 - 30%, số người mất việc hoặc phải nghỉ việc luân phiên cũng khá lớn.
Tính riêng trong quý 1 năm nay đã có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng dịch, 540.000 người mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, có 6,5 triệu người bị giảm thu nhập.
Mặc dù biết đến các chủ trương chính sách hỗ trợ từ nhà nước, nhưng đến nay còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn và các gói hỗ trợ này. Các vướng mắc về thủ tục pháp lý là rào cản rất lớn để cho các doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận.
Theo số liệu khảo sát do Đại học Kinh tế Quốc dân và VCCI thực hiện cho thấy, 78% doanh nghiệp được điều tra chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, và có một tỷ lệ khá cao doanh nghiệp chưa biết đến các gói chính sách này. Như vậy, chủ trương chính sách tốt nhưng thiết kế chính sách chưa thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống và thực thi chính sách chưa suôn sẻ đối với một số giải pháp mà Chính phủ đã ban hành.
“Việc thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong biện pháp hỗ trợ của chính phủ đối với khu vực DN trong bối cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 cũng như với các thảm họa của thiên tai” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Mặc dù bản thân các doanh nghiệp cũng rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn. Nhiều khó khăn tích tụ đến nay đã vượt tầm của một doanh nghiệp, trở thành vấn đề của một ngành, một lĩnh vực, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý kiến tham vấn của chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng.
Các gói hỗ trợ từ trước đến nay là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhiều hơn thế, trước hết là chính sách hỗ trợ cụ thể tập trung cho từng ngành, lĩnh vực. Chính sách mới cần tính toán đến biên độ phục hồi cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, không nên tiếp tục duy trì tư duy “giải cứu”.
Trọng Trí
Xem thêm
TP.HCM sẽ tung gói tín dụng 4.000 tỷ với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVI