Doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư vào nông nghiệp

07:02 | 24/01/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nông nghiệp vốn được coi là một trong những ngành kinh tế chủ đạo của đất nước, nhưng theo số liệu thống kê, năm 2018 lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.

Nhằm kêu gọi sự liên kết chặt chẽ hơn nữa của nhà nông - Nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối để năm 2019 và những năm tiếp theo nền nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, nông sản Việt Nam có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2019”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho biết, năm 2018 ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,76%, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu 244,72 tỷ USD của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp như: Trình độ chuyên môn của các nhà quản lý và lực lượng lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp; kỹ năng về: Tin học, ngoại ngữ, đàm phán… của đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng vẫn có tư tưởng đi làm công ăn lương hơn là khởi sự doanh nghiệp... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ ngân hàng; khả năng tiếp cận thị trường quốc tế còn yếu do thiếu thông tin về thị trường và các quy định của thương mại quốc tế...

Do đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Để cụ thể, ông Hồ Xuân Hùng dẫn con số, năm 2018 được đánh giá là năm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235 doanh nghiệp. tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi mới đạt con số gần 5.000, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đây là con số quá nhỏ bé.

Doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư vào nông nghiệp - ảnh 1
 Doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng mạnh ở nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản... Chỉ tính riêng lĩnh vực chế biến trái cây, trong năm 2018 có tới 16 doanh nghiệp lớn vào đầu tư với tổng vốn khoảng 8.700 tỷ đồng.
Lý giải về số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng trong năm 2018, theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là do hiện Bộ đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, 6.000-8.000 doanh nghiệp đầu tư với quy mô vừa.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên cho biết, Tổng Giám đốc công ty Vinaseed cho rằng, để khai thác tiềm năng và nâng được tổng số doanh nghiệp đầu tư được như mục tiêu đặt ra, Chính phủ cần có hành lang pháp lý đảm bảo để doanh nghiệp có thể tích tục tập trung ruộng đất để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp được tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, quốc tế. Doanh nghiệp mong có thêm thông tin dự đoán, dự báo nhu cầu thế giới để sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu, phát triển phù hợp.
“Hiện sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro, tỉ suất lợi thấp nên 92,5% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần những chính sách để tập trung ưu đãi, đây cũng sẽ là những cú hích cực kỳ tốt để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp”, bà Liên nhấn mạnh thêm.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, để giải quyết tình trạng doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư vào nông nghiệp, các chuyên gia đều cho rằng: Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những chính sách đào tạo nông dân và hợp tác xã rộng hơn về mặt tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn/quy chuẩn sản xuất trong nước và quốc tế, quản lý được chất lượng. Cùng với đó là chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, tập huấn cho nông dân các kỹ năng mới trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, Nhà nước cần có những chính sách về đất đai cởi mở hơn, cho phép doanh nghiệp được xây dựng trên đất nông nghiệp những hạng mục cơ bản, thiết yếu phù hợp với quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các địa phương quan tâm đối với những doanh nghiệp vừa mới thành lập. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư, thị trường…