Doanh nghiệp Việt Nam đã làm gì để san sẻ gánh nặng chống dịch với Chính phủ?
“3 tại chỗ”, biết khó nhưng vẫn quyết tâm thực hiện
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giữa việc đóng cửa hay tiếp tục sản xuất. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đành chấp nhận ngủ đông, trong khi đó cũng không ít ông chủ vượt lên nghịch cảnh, vừa sản xuất, vừa cách ly.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), đã giữ được an toàn và duy trì sản xuất sau gần 4 tuần bắt tay triển khai mô hình "3 tại chỗ".
Với số lượng lao động lớn gần 9 nghìn người, doanh nghiệp này đã tính toán giữ lại khoảng 60% lao động để có thể đảm bảo sản xuất. Cùng với đó công ty cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo giãn cách trong sản xuất, ăn uống và chỗ nghỉ cho người lao động, triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đồng Nai (H.Trảng Bom) đã bố trí chỗ ở cho trên 120 lao động tạm lưu trú tại công ty
Mặc dù khẳng định đã giữ được “trận địa”, nhưng ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc của doanh nghiệp này cho biết vẫn rất mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để sản xuất trở lại bình thường bởi đảm bảo sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh này chi phí tăng gấp 2 lần so với bình thường.
“Nói vậy, chứ chi phí lớn cỡ nào cũng không bằng giữ được đơn hàng, giữ được uy tín với bạn hàng, không bị đứt gãy sản xuất. Cái lợi đó còn lớn hơn nhiều, không tính được”, ông Trung nói.
Còn chia sẻ trên Báo Lao động, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm TP.HCM cho hay, các doanh nghiệp ngành lương thực ở TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ" như chi phí phát sinh cao, phải bán huề vốn hoặc bán lỗ nhưng vẫn phải giữ giá để ổn định thị trường; nguyên liệu không đủ sản xuất song vẫn phải trả lãi ngân hàng.
Việc doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, không đơn thuần chỉ là một quyết định thuần túy về kinh doanh mà là sự lựa chọn để giữ miếng cơm manh áo cho công nhân, cũng là sự sống còn của nền kinh tế.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan cho biết, các doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” vì phần lớn đều có số lượng công nhân đông. Trong điều kiện sản xuất thông thường, các nhà máy cũng được bố trí rất nhiều máy móc nên không đủ chỗ để thu xếp chỗ ở cho người lao động.
Trong thời điểm này, chỉ có từ 10 - 15% số doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện được phương châm “3 tại chỗ” và đang nỗ lực duy trì sản xuất. Tại Việt Thắng Jean, có 550 công nhân đăng ký ở lại nhà máy nhưng công ty chỉ bố trí sản xuất được cho 350 công nhân vì đặc thù làm việc theo dây chuyền. Dù vậy, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tổ chức cho số công nhân dôi dư ở lại.
“Phần lớn công nhân làm việc trong các công ty may có thu nhập thấp, sống tập trung trong các khu nhà trọ, không đủ điều kiện phòng, chống dịch nên họ cũng không thể về quê do quy định hạn chế đi lại. Do đó, việc đưa công nhân vào doanh nghiệp “cắm chốt” không chỉ để duy trì sản xuất mà còn là cách để bảo toàn lực lượng lao động”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Không chỉ các doanh nghiệp nội, khối doanh nghiệp FDI cũng áp dụng "3 tại chỗ". Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho biết rất nhiều doanh nghiệp FDI đã bố trí nơi lưu trú tập trung để vẫn đảm bảo xuất khẩu, tránh đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu. Không ít doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã thuê các khách sạn lớn ở quận 1 để cả ngàn người lao động lưu trú như Công ty Intel, Jabil Việt Nam...
“Việc duy trì nơi ăn ở, sản xuất tập trung là một lựa chọn đau đầu, nhưng các doanh nghiệp đã quyết tâm thực hiện "3 tại chỗ" để tạo thêm các nguồn lực chống dịch, giữ mục tiêu xuất khẩu, tăng trưởng của TP.HCM”, đây là khẳng định của Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM trên Báo Tuổi trẻ.
Cuộc chiến chống dịch được xác định là lâu dài. Và “mục tiêu kép” - vừa chống dịch vừa sản xuất - là một tham vọng khá thách thức. Để giữ các nhà máy, nhà xưởng tiếp tục hoạt động là một nỗ lực vô cùng lớn, và là những lựa chọn cân não đối với doanh nghiệp.
Nhưng việc giữ cho nhà xưởng luôn sáng đèn không chỉ giúp doanh nghiệp giữ thị phần, uy tín và lòng tin của đối tác quốc tế, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với đất nước, với cộng đồng, là cuộc an sinh, nếu nhìn vào cảnh từng đoàn công nhân đang rời TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về miền Tây, miền Trung, miền Bắc trong những ngày qua.
Doanh nghiệp hiến kế cho Chính phủ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc chống dịch và duy trì sản xuất trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta là chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần.
Để giải quyết vấn đề đó, ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện các doanh nghiệp hàng đầu, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương để cùng đưa ra những trao đổi về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp này, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet, đã đề xuất xã hội hóa hóa công tác chống dịch, giảm gánh nặng cho ngân sách. Doanh nghiệp và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vaccine, xét nghiệm, các chi phí y tế. Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế để triển khai.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương.
Đồng thời, bà Thảo cũng đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trưởng trở lại.
Tổng giám đốc Vietjet cũng kiến nghị, sau thời gian giãn cách chống dịch COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa, chúng ta cần chuyên gia, thương gia, cần các nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch… Để triển khai hiệu quả, theo kinh nghiệp các nước phát triển như Singapore, cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có 1 QR để khai báo y tế và trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên.
Bà Thảo bày tỏ tin tưởng doanh nghiệp tư nhân ở việc tham gia gánh vác cùng Chính phủ các chương trình lớn, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Đồng tình với quan điểm của bà Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng cần phải ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp, lái xe... để thực hiện mực tiêu kép vừa sản xuất vừa phòng dịch, bảo đảm thu nhập cho người lao động và hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo ông Vũ Đức Giang, doanh nghiệp sẵn sàng góp chi phí, đẩy nhanh tìm nguồn cung và tiến độ tiêm chủng.
Về phía các doanh nghiệp FDI, đại diện cộng đồng doanh nghiệp này đã đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; cho rằng những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý, giải quyết rất kịp thời. Những nội dung mà Chính phủ Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp FID được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng cam kết…
Cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng COVID-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh;…
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ: “Chính phủ và cá nhân tôi rất cảm động và cảm nhận sâu sắc, các doanh nhân đã hỗ trợ Nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét văn hóa doanh nhân rất đẹp, rất nhân văn, thiết thực và hiệu quả. Và tôi mong tinh thần ấy, nhiệt huyết ấy sẽ được các anh chị em doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy trong thời gian tới, để góp phần Chiến thắng đại dịch COVID-19, để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”.
“Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, chúng ta cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhắn nhủ các doanh nghiệp ở thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức” - "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", cả nước, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng phải cố gắng nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn.
H.A
Xem thêm: Những nhóm đối tượng và ngành nghề nào được phép hoạt động ở TP.HCM từ ngày 16/8?