Doanh nghiệp Việt Nam dễ bị “bắt nạt” vì hạn chế phòng vệ thương mại

15:54 | 25/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự thiếu hiểu biết về phòng vệ thương mại khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình chinh phục thị trường quốc tế.

Hiểu biết còn hạn chế

Mới đây, Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã công bố Dự thảo kết luật liên quan tới các mặt hàng nhập khẩu tại nước này. Trong đó, tôn mạ lạnh Việt Nam là một trong những sản phẩm được liệt kê vào nhóm bán phá giá và gây thiệt hại cho công ty tôn lạnh nước nhà.

Ngay lập tức, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) thuộc Bộ Công Thương đã gửi thư phản đối kết luận này. PVTM cho rằng KADI đã có đánh giá chưa đúng thực tế của Việt Nam. Những thông số chưa chính xác (thuế giá trị giá tăng, trùng lặp tính toán,…) khiến biên độ bán phá giá quá cao và tạo nên sự bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
phong ve thuong mai viet nam
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt thòi vì thiếu hiểu biết về phòng vệ thương mại.
 
Trường hợp của mặt hàng tôn lạnh chỉ là một trong nhiều mặt hàng xuất khẩu đang được Cục PVTM theo dõi. Tính tổng cộng trong năm 2020, Việt Nam đang có 27 mặt hàng đang rơi vào trường hợp tương tự. Tới tháng 3/2020,  22 sản phẩm đã được cơ quan nước ngoài kiểm tra về hành vi trốn hoặc tránh thuế.
 
Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về phòng vệ thương mại. Trong khi xu hướng bảo hộ kinh tế đang ngày trỗi dậy nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng vấn đề này.
 
Một khảo sát gần đây cho biết: 15% doanh nghiệp không biết gì PVTM, chỉ gần 2% đã tìm hiểu kỹ trong khi phần còn lại chỉ biết lơ mơ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn không biết mình đang nằm trong danh sách điều tra. Tới khi hàng hóa bị áp thuế quá cao mới bắt đầu “ngã ngửa” tìm hướng xử lý.

Tự ý thức về việc phòng vệ thương mại

Hiện trạng thiếu ý thức về PVTM của doanh nghiệp nước nhà khiến nhiều chuyên gia Việt Nam lo lắng. Sự thiếu hiểu biết hoàn toàn có thể khiến các doanh nghiệp bị “bắt nạt” khi xâm nhập thị trường nước ngoài.

So sánh các thị trường, bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM đánh giá thị trường EU có tỷ lệ xảy ra các biện pháp PVTM không cao. Sản phẩm của thị trường này với sản phẩm từ Việt Nam mang tính bổ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, ở nhiều thị trường khác như Đông Nam Á hay Trung Quốc, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm lại rất lớn.
 
Nhận thức được vấn đề, Cục PVTM luôn nghiên cứu và hỗ trợ trước cho các sản phẩm có nguy cơ cao bị áp dụng các biện pháp PVTM như điều tra chống bán phá giá, trốn thuế,… Mục tiêu là để hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp nước nhà trong quá trình “đem chuông đi đánh xứ người”.
phong ve thuong mai viet nam
Cục PVTM có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
 
Cục PVTM luôn duy trì kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM ở các nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp. Phòng xử lý PVTM nước ngoài của Cục luôn sẵn sàng giúp doanh nghiệp Việt Nam phản bác các kết luận thiếu căn cứ, những điều tra chưa chính xác và cung cấp những dữ liệu chính xác cho các bên liên quan.
 
Tất cả những điều trên đều nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để hạn chế sự quá phụ thuộc vào một thị trường – một yếu tố thường tạo nên cơ sở để các nước sở tại tiến hành PVTM khi sản lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến.
 
Dẫu vậy, một mình các cơ quan Nhà nước không đủ để bảo vệ tất cả các doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nâng cao nhận thức về PTVM bằng cách không tham gia hoặc hỗ trợ các hành vi kinh doanh bất hợp pháp. Việc hỗ trợ các cơ quan Nhà nước xử lý những hành vi sai trai cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững hơn.