Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị Thủ tướng lập quỹ bảo lãnh cho vay 100.000 tỷ đồng
Các doanh nghiệp SME đều bày tỏ sự ủng hộ những quyết sách quyết liệt của Chính phủ trước muôn vàn khó khăn để ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như giải pháp nỗ lực hồi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, Liên minh SME cho rằng: Việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức.
“Các cơ chế chưa có tiền lệ trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp SME khiến các ngân hàng vẫn e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay; các chính sách đúng đắn từ Chính phủ được các địa phương triển khai chậm chạp, không đồng bộ, thậm chí là chưa triển khai khiến các doanh nghiệp hoài nghi về việc hồi phục kinh doanh trong thời gian tới”, ông Dominic Vũ - Chủ tịch Liên minh SME cho biết.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức
Doanh nghiệp SME cho rằng, các cơ chế chưa có tiền lệ trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp đã khiến các ngân hàng, tổ chức tài chính e dè, hạn chế hoặc né tránh việc cho vay.
Bên cạnh đó, các chính sách đúng đắn của Chính phủ được các địa phương triển khai còn chậm, thậm chí có nơi chưa triển khai khiến doanh nghiệp hoài nghi về lộ trình phục hồi kinh doanh trong thời gian tới.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này, giúp cho các doanh nghiệp SME (chiếm hơn 95% tại Việt Nam) vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại, tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.
Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, Liên minh SME đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME (chiếm trên 95% số lượng doanh nghiệp) vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động.
Liên minh SME kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); doanh nghiệp phải có hợp đồng/đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.
" Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập Tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh như là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế", nội dung Thư kiến nghị của Liên minh SME nêu.
Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó như lúc này, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp SME, nhất là khi thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng qua. Điều doanh nghiệp mong mỏi là Nhà nước bơm “oxy tín dụng” để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết: Sức chịu đựng của doanh nghiệp gần cạn kiệt do dịch bùng phát gần 2 năm nay. Khó khăn của doanh nghiệp đến phần lớn từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng.
“Chưa năm nào tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới thấp hơn khá nhiều so với số doanh nghiệp ngừng sản xuất, giải thể như năm nay. Rõ ràng là doanh nghiệp đang gặp khó khăn", ông Phạm Đình Thúy chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%. Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Như vậy, trung bình một tháng, Việt Nam có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nếu tính riêng tháng 9/2021, Việt Nam có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 8; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.
Kết quả điều tra khảo sát mới nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp cho thấy: Có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực", tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.
Trong đó, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của COVID-19 "phần lớn là tiêu cực" và 34% doanh nghiệp nhận định COVID-19 tác động "hoàn toàn tiêu cực" (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt nhưng cũng phải thận trọng tránh hệ luỵ
Mới đây, Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam, do Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, khuyến nghị: Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua, cần được khai thác mạnh mẽ hơn. Với làn sóng dịch bệnh hiện nay, Việt Nam càng phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.
Để tránh những hậu quả về vĩ mô và vi mô không đáng có, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia lưu ý: "Cơ quan quản lý phải giới hạn các "chốt", đó là: Giữ mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, không đẩy lên quá cao; kiềm chế tốc độ lạm phát; duy trì mức tăng hợp lý của tỷ giá hối đoái; phải chấp nhận nợ xấu nhưng ở mức độ nào, làm thế nào để ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng?".
Một số chuyên gia "hiến kế": Việt Nam có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung. Ví dụ, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm, cộng với gói kích thích lãi suất có lãi suất khoảng 2 - 3%/năm để tạo hiệu ứng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Phía Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng Trung ương.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, năm 2009, Việt Nam sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn tiền lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối nhưng đến nay, ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết. Đó là sự vướng mắc. "Mặc dù chính sách cấp bù lãi suất có hiệu ứng nhất định nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn, nợ xấu liên tục tăng cao. Chính phủ phải thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng để giải quyết hệ quả. Gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Xem thêm: Trình Thủ tướng 2 phương án tăng trưởng GDP năm 2021