Trình Thủ tướng 2 phương án tăng trưởng GDP năm 2021

07:05 | 03/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ đã trình 2 phương án trên cơ sở tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, cũng như mục tiêu từ nay đến cuối năm trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ngày 2/10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9.

Chiều cùng ngày, chủ trì họp báo thông tin về kết quả phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ đã trình 2 phương án trên cơ sở tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, cũng như mục tiêu từ nay đến cuối năm trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trên cơ sở thực hiện đánh giá, Bộ KHĐT ước tính GDP cả năm 2021 đạt mức 3 - 3,5%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương  tại cuộc họp báo.

Theo đó, với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng qua, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm, quý IV cần tăng trưởng ở mức 7,06% trở lên. Và kịch bản 2, với mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm, quý IV cần tăng trưởng 8,84% trở lên.

Về khả năng đạt được các mục tiêu nói trên, theo ông Phương, quý IV/2021 có rất nhiều điểm đặc biệt phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn với dịch. Để đạt được mục tiêu đề ra, đối với doanh nghiệp cần không bị “đóng băng” hay đóng cửa, doanh nghiệp phải được hoạt động.

“Đối với lao động phải được dịch chuyển, bởi hiện các khu, cụm công nghiệp ở nhiều thành phố lớn đang trong tình trạng thiếu lao động tức thời. Do vậy, sắp tới đây, cùng với những quy định về y tế, hy vọng rằng các lao động sẽ được dịch chuyển một cách an toàn để đi làm. Hàng hóa phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương, bao gồm hàng hóa đầu vào và đầu ra. Có được như vậy mới hỗ trợ được cho tăng trưởng kinh tế”, đại diện Bộ KHĐT cho biết.

Đặc biệt, trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn sản xuất, từ nay đến cuối năm, nếu các doanh nghiệp, khu vực kinh tế đạt được 80% hiệu suất thì là thành công lớn.

“Rất kỳ vọng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng hơn 7% như đã từng làm trong quá khứ”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nói.

Bên cạnh đó, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý III giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản thông suốt, thu ngân sách đạt hơn 80%, góp phần bảo đảm thu chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; đầu tư FDI vẫn được duy trì...

Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh, tại phiên họp Chính phủ sáng 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong.