Doanh nghiệp xã hội: cần được tạo môi trường hoạt động và khởi nghiệp
Doanh nghiệp xã hội (DNXH) được ra đời cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nở rộ ở Anh, Mỹ… Loại hình doanh nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ tại châu Á trong thập kỷ vừa qua và hứa hẹn trở thành trào lưu của hiện tại và tương lai.
Câu chuyện đến từ Ấn Độ
Shetty và Narayana Health là mạng lưới các bệnh viện và phòng khám bệnh do Tập đoàn Narayana điều hành trên khắp Ấn Độ đã giải quyết được vấn đề lớn trong dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của Ấn Độ, nơi mà hàng triệu bệnh nhân có thu nhập thấp không được phục vụ đầy đủ, đặc biệt là những điều trị tốn kém như phẫu thuật tim.
Với dịch vụ y tế có chi phí hợp lý, Narayana đã thu hút được rất nhiều bệnh nhân cả trong nước và quốc tế. Narayana hiện điều hành 24 bệnh viện với hơn 7.000 giường ở Ấn Độ và Quần đảo Cayman và tiến hành hơn 16.000 cuộc phẫu thuật tim vào năm ngoái.
Theo chuyên gia Srini Nagarajan, Chủ tịch CDC tại Nam Á, Narayana là một minh chứng thuyết phục để các nhà đầu tư hướng tới việc giải quyết các vấn đề xã hội, thay vì lợi nhuận thuần tuý. "Sự phát triển của các công ty như Narayana đã làm tăng trưởng việc làm đáng kể tại các vùng nghèo của Ấn Độ", ông Srini nói.
Narayana chỉ là một ví dụ về các DNXH đang nổi lên của Châu Á, nơi các công ty đánh giá sự thành công không chỉ bởi lợi nhuận mà họ tạo ra mà còn bởi những lợi ích họ mang lại cho thế giới. Chất xúc tác cho sự lan rộng của DNXH trên toàn cầu là sự nổi lên của khái niệm "tạo giá trị chung". Khái niệm này cho thấy, các công ty hướng đến mô hình kinh doanh bao trùm sẽ bền vững hơn và có nhiều lợi nhuận hơn về lâu dài so với những công ty tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận cho cổ đông.
Chuyên gia Srini cũng chỉ ra rằng, các cuộc khủng hoảng tài chính đã làm thay đổi tư duy của các doanh nghiệp toàn cầu và khiến họ phải cân nhắc các mô hình kinh doanh bao trùm để tạo ra giá trị dài hạn. Và châu Á là nơi thuận lợi cho mô hình này phát triển.
Cần khung pháp lý cụ thể ở Việt Nam
Mô hình DNXH không phải là điều mới mẻ ở Châu Á. Các nước tại khu vực ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... hoàn toàn có những yếu tố về con người và xã hội để các DNXH phát triển.
Tuy nhiên, liệu mô hình này có thâm nhập sâu vào giới doanh nghiệp toàn cầu và trở thành một làn sóng hay không vẫn còn là một dấu hỏi. GS.Andrew Crane của Singapore, đã chỉ ra cân bằng lợi nhuận với tác động xã hội, đồng thời mở rộng quy mô kinh doanh đang là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với các DNXH, đặc biệt là các doanh nghiệp mới.
Tại Việt Nam, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 giao Chính phủ quy định cụ thể Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho DNXH, nhưng Nghị định số 96/2015/NĐ-CP chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này.
DNXH vốn có chi phí lớn hơn do sử dụng nguồn lao động chất lượng thấp, sản lượng thấp, nhưng đầu ra lại phải cạnh tranh với thị trường, khiến mức lợi nhuận thấp hơn so mức trung bình của ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng, để cộng đồng DNXH phát triển lành mạnh, Nhà nước cần dỡ bỏ các rào cản cho sự phát triển của DNXH, giúp DNXH hoạt động theo cơ chế thị trường, chứ không phải trực tiếp can thiệp vào DNXH một cách duy ý chí bằng chỉ tiêu, kế hoạch.
Trong khi đó, các DNXH cho rằng, để hoạt động hiệu quả hơn, bên cạnh sự nỗ lực, các doanh nghiệp này cũng cần được tạo môi trường hoạt động và khởi nghiệp thuận lợi hơn bằng những cơ chế chính sách cụ thể, như DNXH có thể tự kêu gọi vốn, nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Thế nhưng, để nhận được nguồn vốn này, DNXH đang bị vướng nhiều thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian để được phê duyệt và hoàn thành hồ sơ pháp lý.
Minh Hoa (theo Diễn đàn Doanh nghiệp)