Doanh nghiệp xuất khẩu và “chìa khóa” từ Nghị quyết 02
Doanh nghiệp xuất khẩu đang nhìn thấy “chìa khóa” từ Nghị quyết 02/2021/NĐ-CP, vấn đề cần thiết là cùng bàn thảo giải pháp để tận dụng lợi thế bứt phá cho năm 2021.
Nhiều lợi thế để xuất khẩu bứt phá
Nhiều lợi thế để xuất khẩu của Việt Nam bứt phá trong năm 2021 là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam trong cuộc trò chuyện với báo Hải quan điện tử về vấn đề khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế 2021.
Có nhiều lợi thế để xuất khẩu của Việt Nam bứt phá trong năm 2021
Theo đó, xuất khẩu là một trong những điểm tích cực của năm 2020. Hiện xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, đặc biệt xuất siêu hơn 18 tỷ USD. Đây là đóng góp rất lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 2% trong năm nay, thể hiện khả năng duy trì năng lực sản xuất của Việt Nam nhờ dịch bệnh đang được không chế và trong bối cảnh một số nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở một số mặt hàng vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Về xuất khẩu năm 2021, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cầu của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và ASEAN, đang chiếm tới gần 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu sự phục hồi của các thị trường này nhanh và mạnh như một số tổ chức quốc tế dự báo, Việt Nam có khả năng sẽ lấy lại được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao như năm 2019 và các năm trở về trước và sẽ có đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GDP. Nhưng nếu các thị trường này phục hồi chậm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới có thể vẫn đạt mức tăng trưởng dương nhưng sẽ không đạt mức cao như kỳ vọng để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6% trong năm 2021 như mục tiêu Chính phủ đề ra.
“Tuy nhiên, chúng ta đang có nhiều lợi thế. Trước hết là năng lực sản xuất của Việt Nam đang được duy trì, các DN trong nước tiếp tục được đăng ký và dòng vốn đầu tư FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Đây là những lợi thế để xuất khẩu của Việt Nam bứt phá trong năm 2021, khi thị trường toàn cầu được phục hồi thì Việt Nam sẽ đáp ứng được cầu đó rất nhanh và phục hồi mạnh mẽ so với các quốc gia khác”, TS. Lê Duy Bình nói.
Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu phải lên lịch ngồi với nhau
Trước những thời cơ đan xen nhiều thách thức, doanh nghiệp xuất khẩu phối hợp cùng thay đổi là điểm nhấn được Báo Đầu tư phản ánh trong những ngày đầu năm mới.
Khuyến nghị được đưa ra là: Ngay những ngày làm việc đầu tiên năm 2021, nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu lại phải lên lịch ngồi với nhau.
Doanh nghiệp đang nhìn thấy "chìa khóa" từ Nghị quyết 02/2021/NĐ-CP
Có nhiều lý do để doanh nghiệp xuất khẩu không thể trì hoãn. Đó là những vướng mắc cũ đã trao đổi nhiều lần, mà chưa giải quyết dứt điểm. Nhưng lý do chính là doanh nghiệp đang nhìn thấy "chìa khóa" từ Nghị quyết 02/2021/NĐ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Chính phủ đã yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và cơ quan, đơn vị phối hợp… Đây là điểm mà các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng sẽ làm nên những thay đổi tích cực.
Một vấn đề là, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang được Ban Soạn thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, lấy ý kiến vẫn còn nội dung mà các doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ.
Thực ra, Ban Soạn thảo đã có sửa đổi nhất định, theo hướng doanh nghiệp sử dụng mã nước ngoài sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, thay vì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài như hiện tại.
Nhưng điểm tích cực này lại trở nên khó hiểu khi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 119/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa vẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản”…
Nhiều doanh nghiệp muốn tin rằng, nguyên nhân là lỗi kỹ thuật, chưa rà soát hết các nội dung có liên quan của các văn bản. Tuy vậy, họ cũng không khỏi lo ngại, bởi việc soạn thảo 2 văn bản này đều do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và đáng ra có thể kiểm soát tốt sự phối hợp giữa các nhóm làm việc.
Trong rất nhiều cuộc họp giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về những quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn, không dễ tìm kiếm được tiếng nói chung của các bộ, ngành liên quan. Nhiều trường hợp, một mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nhau, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ đầy đủ quy định của từng bộ, ngành đó, từ nội dung kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, đến hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, bất kể nội dung kiểm tra tương tự nhau. Hệ quả là, chi phí tuân thủ quy định của các doanh nghiệp rất lớn.
Nhiều năm qua, câu hỏi tại sao các cơ quan quản lý nhà nước không phối hợp với nhau để vừa thực hiện được nhiệm vụ của mình, vừa giảm thiểu thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp đã từng được đặt ra rất nhiều lần. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề rằng, phải chăng quyền lực và quyền lợi cục bộ đang bó chân các cơ quan quản lý nhà nước, khiến nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ trở nên khó khăn hơn.
Thực tế, một số bộ, ngành đã có câu trả lời. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nguyên tắc một đầu mối với các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm được cải thiện khi các bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ngồi với nhau, thống nhất đầu mối quản lý…
Nhưng đó chỉ là một vài trường hợp và doanh nghiệp không thể cảm nhận được sự cải thiện của môi trường kinh doanh từ một vài trường hợp.
Trong nội dung của Nghị quyết 02/2021/NQ-CP, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể về phối hợp giải quyết vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thực hiện tích hợp văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu của hệ thống pháp luật. Các bộ, ngành liên quan sẽ phải có kế hoạch cụ thể.
Đây cũng là lúc doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải tham gia, không chỉ giám sát các kế hoạch của các bộ, ngành, mà còn là nêu các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp tương ứng. Chỉ khi các vướng mắc được các bên liên quan phối hợp tìm phương án, thì sự thay đổi mới thực sự tác động tích cực và lan tỏa.
Minh Hoa