Doanh nhân Mai Kiều Liên: Gắn bó với Vinamilk 47 năm, hơn 30 năm ở cương vị người đứng đầu

Trang Mai 11:55 | 13/10/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bản lĩnh trên thương trường, quyết đoán với những quyết sách táo bạo nhưng vẫn giản dị và chân thành, doanh nhân Mai Kiều Liên là thuyền trưởng quan trọng, góp phần đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa ở Việt Nam

Xuất phát điểm là kỹ sư chế biến thịt sữa

Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Pháp nhưng phần lớn thời gian, bà sinh sống và trưởng thành tại Việt Nam. Bố và mẹ của nữ doanh nhân đều là thành phần trí thức, theo nghề bác sĩ và luôn mong muốn được cống hiến cho quê hương.

 Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk. Ảnh: Vinamilk

Năm 1976, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp tại đại học Moscow, Nga với chuyên ngành kỹ sư chế biến thịt sữa. Cũng giống như truyền thống gia đình, bà trở về nước để sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

Về học vấn, bà sở hữu Chứng chỉ Quản lý Kinh tế của Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad tại Nga, Chứng chỉ Quản lý chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia tại Việt Nam và bằng Kỹ sư về chế biến thịt và sữa của Đại học Moscow tại Liên Xô. Ngoài ra, bà cũng có Chứng chỉ đào tạo về Quản trị Công ty.

Con đường xây dựng sự nghiệp của nữ CEO Vinamilk

Năm 1976: tốt nghiệp Đại học từ năm 1976 về chế biến thịt và sữa tại Moscow, Liên Xô.

Từ tháng 8/1976 – 8/1980: Kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).

Từ tháng 8/1980 – 2/1982: Kỹ sư Công nghệ Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ tháng 2/1982 – 9/1983: Trợ lý Giám đốc, Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa Thống Nhất, Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ tháng 9/1983 - 6/1984, bà đi học Quản lý Kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad, Liên Xô.

Từ tháng 7/1984 – 11/1992: Phó Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Từ tháng 12/1992 - nay: Tổng Giám đốc Vinamilk.

Từ năm 1996 - 2001: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII

Từ tháng 11/2003 - 7/2015: Kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamilk.

15/2/2020: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần GTNfoods (GTN) 

Cũng trong tháng 2 năm 2020: Kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (MCM) và Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC).

Ngoài ra, bà Mai Kiều Liên cũng là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam, CTCP Đầu tư Bất động sản Quốc tế và là Thành viên HĐTV Công ty TNHH Miraka.

Chặng đường đưa Vinamilk trở thành thương hiệu “quốc dân”

Tính đến nay, bà Liên đã gắn bó với Vinamilk 47 năm, hơn 30 năm ở cương vị người đứng đầu. Trong hành trình đó, bà góp phần không nhỏ đưa doanh nghiệp trở thành một thương hiệu lớn, từng lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế Phó Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã góp phần rất lớn vào việc quyết định phục hồi nhà máy sữa bột Dielac cho trẻ em. Giai đoạn từ sau 1981, bối cảnh ngành sữa còn chưa đạt được điểm nhấn nổi trội nào, Nhà nước phải áp dụng chính sách để tháo gỡ cho sản xuất. 

Bà Liên đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử là kết hợp với SEAPRODEX để có nguồn ngoại tệ áp dụng vào chi phí nguyên vật liệu. Cuối cùng, với hơn 200.000 USD, Vinamilk đã phục hồi được nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại Việt Nam dành cho trẻ em chứ không còn phải đi nhập ngoại nữa.

Từ năm 1992, khi mới được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp sữa này nhằm tạo ra động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.

Bà cũng là người đưa kế hoạch xây dựng nhà máy sữa ở Hà Nội để phục vụ cho thị trường phía Bắc. Mất hai năm để thuyết phục được ban lãnh đạo, sau đó, bà đã giúp Vinamilk mở hàng trăm đại lý, nhà máy sản xuất liên tục cũng không đủ hàng bán, người mua xếp thành từng hàng dài. 

Từ năm 1997, Vinamilk dưới bàn tay lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên đã đủ sức để chinh phục thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… Tuy trở thành lãnh đạo từ thời bao cấp nhưng bà Mai Kiều Liên luôn tích cực và chủ động trong việc đổi mới. Bà là người tận dụng tối đa công nghệ cao để gia tăng hiệu quả công việc của mình. 

Năm 2003, Vinamilk tiến hành tái cấu trúc Vinamilk, năm 2006 niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010).

Vinamilk hiện là doanh nghiệp sữa thuộc Top 36 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu; đồng thời là “Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới”, với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD (do Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu công bố tháng 8/2023). Doanh nghiệp đã xuất khẩu đa dạng sản phẩm đến gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế đến nay vượt 3 tỷ USD.

Theo báo cáo tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 29.167 tỷ đồng và 4.135 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 46% và 48% kế hoạch cả năm đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên. 

Doanh nghiệp này cũng đang sở hữu nguồn tiền mặt dồi dào với 21.464 tỷ (tính đến 31/6/2023), chiếm 42% tổng tài sản (gần 51.000 tỷ).

Về cá nhân, bà cũng nhận được hàng loạt giải thưởng, danh hiệu như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001); Anh hùng Lao động Thời Kỳ Đổi Mới (năm 2005); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006); 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn bốn năm liên tiếp từ 2012; 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 (Forbes Vietnam),nhận Huân chương độc lập hạng Ba (năm 2022)...